11:16 09/04/2024

3 vấn đề gai góc trong chuyến công du Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ

Hoài Thu

Đây là lần thứ hai bà Yellen tới Trung Quốc trong vòng 9 tháng trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ...

Khoảnh khắc bà Yellen bước xuống từ máy bay gây "sốt" trên mạng xã hội Trung Quốc - Ảnh: AP
Khoảnh khắc bà Yellen bước xuống từ máy bay gây "sốt" trên mạng xã hội Trung Quốc - Ảnh: AP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa có chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm 4 ngày, bà Yellen đã có nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo trung ương lẫn địa phương Trung Quốc, các học giả, sinh viên và cả lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ ở Bắc Kinh và Quảng Châu.

Đây là lần thứ hai bà Yellen tới Trung Quốc trong vòng 9 tháng trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Chuyến thăm nhằm giải quyết những mâu thuẫn đang có dấu hiệu leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh cả hai bên đều cố gắng bình thường hóa quan hệ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái.

Theo hãng tin CNN, dù truyền thông Trung Quốc đưa tin tích cực, trong chuyến thăm, bà Yellen đã phát đi thông điệp cứng rắng tới Bắc Kinh rằng: “xuất khẩu xe điện, tấm năng lượng mặt trời và pin điện được trợ giá từ Trung Quốc tăng vọt đang đe dọa việc làm và các doanh nghiệp Mỹ. Điều này phải được kiềm chế”.

Tại cuộc họp báo ngày 8/4, bà Yellen cho biết bà đã bày tỏ sự quan ngại của Mỹ tới các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc rằng một số đặc điểm của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng gây tác động tiêu cực tới Mỹ và thế giới.

Dưới đây là 4 điểm chính trong chuyến thăm của bà Yellen tới Trung Quốc.

QUAN NGẠI VỀ DƯ THỪA SẢN XUẤT

Tình trạng dư thừa sản xuất của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng như xe điện và tấm năng lượng mặt trời là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn trên toàn cầu cũng như trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm nay. Đây cũng là một trọng tâm trong chuyến thăm vừa qua của bà Yellen.

Trong chuyến thăm, vị Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp liên quan tới vấn đề này tới các quan chức Trung Quốc, từ Phó Thủ tướng Hà Lập Phong cho tới Thủ tướng Lý Cường.

“Công suất khổng lồ của Trung Quốc hiện là quá lớn để phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ được”, bà Yellen nói với báo giới tại họp báo ngày 8/4. “Những gì Trung Quốc làm hôm nay có thể làm thay đổi giá cả trên toàn cầu. Và khi thị trường toàn cầu ngập lụt bởi hàng giá rẻ bất thường của Trung Quốc, sự sinh tồn của doanh nghiệp Mỹ cũng như các doanh nghiệp nước khác sẽ bị ảnh hưởng”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/4/2024 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 7/4/2024 - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu có thấy Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi chính sách kinh tế của mình. Trong cuộc gặp với bà Yellen ngày 7/4, ông Lý Cường thúc giục Washington không “chính trị hóa” các vấn đề kinh tế và thương mại, không “trầm trọng hóa khái niệm an ninh quốc gia”. Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi Mỹ tuân thủ “các tiêu chuẩn cơ bản của nền kinh tế thị trường về cạnh tranh công bằng và hợp tác cởi mở”.

“Mỹ nên nhìn vấn đề công suất một cách khách quan và toàn diện, từ phương diện của nền kinh tế thị trường và tầm nhìn toàn cầu”, ông Lý Cường nói với Bộ trưởng Tài chính Mỹ, dựa trên thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

KHÔNG ỦNG HỘ NGA

Trong cuộc gặp với ông Hà Lập Phong ở Quảng Châu, bà Yellen cảnh báo rằng các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu ủng hộ về vật chất cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine – theo thông cáo từ Bộ Tài chính Mỹ.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc nổi lên như một “phao cứu sinh” quan trọng về kinh tế cho Nga sau khi Moscow hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây do “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”. Bắc Kinh khẳng định Trung Quốc giữ vị thế trung lập trong vấn đề này, đồng thời kêu gọi giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình. Tuy nhiên, mặt khác, quốc gia châu Á tiếp tục củng cố quan hệ kinh tế, ngoại giao và quân sự với nước láng giềng.

Chính quyền của Tổng thống Biden thời gian qua đã áp đặt cấm vận và hạn chế lên một số doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Tại họp báo ngày 8/4, bà Yellen cho biết bà đã có “cuộc trò chuyện khó khăn” về vấn đề an ninh quốc gia với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Tổng thống Biden và tôi quyết tâm làm mọi việc có thể để ngăn chặn sự ủng hộ tài chính dành cho Nga”, bà Yellen nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vài trò của bất kỳ doanh nghiệp nào, bao gồm doanh nghiệp Trung Quốc, trong hoạt động mua bán khí tài quân sự của Nga. Tôi cũng xin nhấn mạnh lại rằng bất kỳ ngân hàng nào tạo điều kiện cho các giao dịch lớn liên quan tới hàng hóa sử dụng trong quân đội Nga sẽ đối mặt nguy cơ bị Mỹ trừng phạt”.

Khi được hỏi về phản ứng trước những bình luận của bà Yellen tại họp báo, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định “sự hợp tác bình thường trong nhiều lĩnh vực giữa Nga và Trung Quốc không nên bị can thiệp hoặc bị hạn chế”.

“Các quốc gia liên quan không nên tấn công hoặc làm ảnh hưởng tới các mối quan hệ song phương bình thường của Trung Quốc, và không nên làm phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc cũng như doanh nghiệp Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh.

MỸ-TRUNG CẦN TIẾP TỤC ĐỐI THOẠI

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của bà Yellen nằm trong nỗ lực duy trì đối thoại cởi mở với Bắc Kinh của Washinton nhằm quản lý sự cạnh tranh cũng như ngăn chặn những xung đột ngoài dự tính, sau khi quan hệ song phương xấu đi vào đầu năm 2023. Chuyến thăm cũng diễn ra vài ngày sau khi ông Biden và ông Tập có cuộc điện đàm vào tuần trước – cuộc trò chuyện đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc gặp thượng đỉnh ở San Fransisco cuối năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns trong tiệc tối do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chủ trì tại thành phố Quảng Châu ngày 5/4 - Ảnh: Getty Images
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns trong tiệc tối do Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong chủ trì tại thành phố Quảng Châu ngày 5/4 - Ảnh: Getty Images

“Không thể phủ nhận rằng quan hệ Mỹ-Trung lúc này tốt đẹp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái”, bà Yellen nói tại họp báo. “Trong chuyến thăm này, chúng tôi đã có thể xây dựng nền tảng để đưa ra các vấn đề cụ thể quan trọng đối Mỹ".

Tuy nhiên, bà Yellen cũng cảnh báo điều này không có nghĩa là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giải quyết được mọi sự khác biệt.

“Tổng thống Biden và tôi rất rõ về sự phức tạp của mối quan hệ này. Ưu tiên của chúng tôi là bảo vệ an ninh quốc gia của mình cũng như của các đồng minh, thúc đẩy mối quan hệ kinh tế lành mạnh với một sân chơi bình đẳng cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mà cả hai nước có thể và phải hợp tác với nhau”.

“CƠN SỐT” YELLEN TRÊN TRUYỀN THÔNG TRUNG QUỐC

Những năm gần đây, tâm lý phản đối Mỹ trên mạng xã hội Trung Quốc ngày càng lên cao. Tuy nhiên, bất chấp những thông điệp cứng rắn trong chuyến thăm, bà Yellen bất ngờ nhận được sự chào đón nồng ấm của cư dân mạng quốc gia châu Á.

Nguyên nhân được cho là phong cách giản dị và sự yêu thích của Bộ trưởng Mỹ dành cho ẩm thực Trung Quốc. Trong chuyến thăm trước tới Bắc Kinh, bà Yellen đã giúp chuỗi nhà hàng ở Vân Nam, đặc biệt là món nấm, trở thành “cơn sốt” sau khi phái đoàn của bà dùng bữa tại đây.

Khoảnh khắc bà Yellen bước xuống từ máy bay ở Quảng Châu với chiếc vali và túi đeo chéo cũng khiến cư dân mạng Trung Quốc thích thú.

Cư dân mạng Trung Quốc ấn tượng với phong cách giản dị của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thậm chí một số người so sánh bà với “dama” – một từ trong tiếng Trung dùng để mô tả người phụ nữ trung niên.

“Bà Yellen xuất hiện như một du khách bình thường. Bà ấy xuống máy bay một mình với một chiếc túi đeo ngang người và tay xách một chiếc túi khác. Thành thật mà nói, với tư cách một quan chức cấp cao, bà ấy quá giản dị”, một bình luận trên nền tảng mạng xã hội Weibo, nhận xét.

“Chẳng quan trọng bà ấy đựng gì trong túi. Điều quan trọng là bà ấy không phô trương (quyền lực) và không cần cả một đoàn tùy tùng xung quanh”, một bình luận khác viết.

Người dùng mạng Trung Quốc cũng thích thú với kỹ năng sử dụng đũa thuần thục của bà Yellen, sau khi một tài khoản Weibo liên kết với đài truyền hình trung ương CCTV đăng tải một video ngắn cho thấy bà đang dùng bữa tại một nhà hàng Quảng Đông tại Quảng Châu. Đó là bữa ăn tại chuỗi nhà hàng Tao Tao Ju có tuổi đời gần 150 năm. Thực đơn của bà Yellen gồm các món há cảo, bánh trứng, bánh củ cải, ngỗng quay, thịt lợn chua ngọt và mỳ bò xào.

“Tôi để ý thấy rằng bà Yell dùng đũa rất tốt”, phòng viên của CCTV viết trong bài đăng. “Là một quan chức Mỹ, bà Yellen cần hiểu hơn về Trung Quốc, chứ không chỉ dừng lại ở ẩm thực. Chỉ bằng cách này, bà ấy mới có thể thay đổi quan điểm của Mỹ về thế giới, cũng như về Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ-Trung”.