32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa
Hiện nay, tình hình xây dựng khung pháp lý và quản lý tài sản ảo trên toàn cầu có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia...
Báo cáo khảo sát tại 60 quốc gia của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia trên thế giới đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa (tài sản kỹ thuật số). Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý Tài sản ảo (VA) và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP). Tuy nhiên, bên cạnh những quốc gia đã hợp pháp hóa tài sản ảo, có 19 quốc gia cấm một phần, và 8 quốc gia cấm toàn bộ.
Thông tin trên được đưa ra tại Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai” do Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức. Theo các chuyên gia thảo luận tại phiên đối thoại góp ý, xây dựng khung pháp lý VA, VASP, hiện nay, tình hình xây dựng khung pháp lý và quản lý tài sản ảo trên toàn cầu có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia. Một số quốc gia đã ban hành các quy định rõ ràng về tài sản ảo, trong khi những quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc chậm trễ trong việc ban hành khung pháp lý.
Ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế, cho biết có nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ có thể chưa nhận thức đầy đủ và kịp thời về tài sản ảo, do đó, họ chưa thể bắt kịp và xây dựng khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi đó, các quốc gia phát triển và có trình độ quản lý nhà nước cao đã chủ động nghiên cứu và điều chỉnh nhanh chóng để thích ứng với mối mối quan hệ tài sản mới.
Theo ông Cường, Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia vào việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến tài sản ảo, với việc Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan đã tiến hành nghiên cứu và phối hợp. Cụ thể, Chính phủ đã ra thời hạn tháng 5/2025 phải hoàn thiện khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo.
Là nhà sáng lập một startup liên quan đến tài sản ảo, ông Lê Hoài Nam, founder của Hold Station, cho biết hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang được thúc đẩy bởi thế hệ 8X và 9X - đây là thế hệ những người lớn lên trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, họ quen thuộc với các game, giao dịch trong game, các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, như giao dịch vật phẩm trong game. Đây là một nền tảng tạo tiền đề cho việc sử dụng tài sản ảo trong lĩnh vực tài chính và kinh tế.
Theo nhà sáng lập Hold Station, tài sản ảo giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch và mua bán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp và cá nhân.
“Càng ngày, những người trẻ tuổi này càng sử dụng tài sản ảo nhiều hơn, điều này phản ánh một xu hướng của nền kinh tế trong tương lai. Hơn nữa, Việt Nam thực sự là một đất nước có niềm đam mê với công nghệ và luôn chào đón những điều mới mẻ”, ông Nam nói. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho VASP, và tôi rất mong muốn được làm việc trong lĩnh vực này tại Việt Nam, có giấy phép để cung cấp dịch vụ và bảo vệ nhà đầu tư”.
Tuy vậy, do tính tiện lợi và mới mẻ của VA, nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro bị lừa đảo. Do đó, việc cung cấp dịch vụ VASP đáng tin cậy và có giấy phép sẽ giúp bảo vệ người dùng và duy trì sự an toàn trong lĩnh vực này. Ông Đỗ Việt Cường cho rằng nếu không nghiên cứu một cách cẩn thận và nhanh chóng ban hành các quy định quản lý, thì một bộ phận người dân sẽ không được bảo vệ và một số người khác sẽ bị lợi dụng để trục lợi, hoặc phục vụ cho những mục đích gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và các lĩnh vực quan trọng khác. Vì vậy, cần có sự quan tâm và hành động kịp thời để đảm bảo an toàn và trật tự trong xã hội.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Tọa đàm khoa học là chương trình thứ 4 của Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhằm thu thập các ý kiến góp ý của cộng đồng, doanh nghiệp và đối thoại trực tiếp cùng các cơ quan quản lý nhà nước để đóng góp ý kiến vào xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh quản lý VA-VASP trước thời hạn tháng 5/2025 theo yêu cầu của Chính phủ.
Ông Phan Đức Trung cho biết, trong thời gian tới Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ tích cực trao đổi với các cơ quan, bộ ngành làm cơ sở cho các hành động và tiếp cận phổ biến chính sách (các khu vực bao gồm cả khu vực tư nhân) theo Kế hoạch hành động quốc gia 2024 về phòng và chống rửa tiền.