08:53 21/11/2019

404 đại biểu muốn có thêm thời gian sửa Luật Tổ chức Quốc hội

Nguyễn Lê

Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngay tại kỳ họp này như dự kiến

Khi thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị lùi thời điểm thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội  đến kỳ họp sau - Ảnh: Quang Phúc
Khi thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị lùi thời điểm thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đến kỳ họp sau - Ảnh: Quang Phúc

Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu bằng phiếu, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội ngay tại kỳ họp này như dự kiến.

Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản gửi đến các vị đại biểu thông báo điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 8.

Cụ thể, tại phiên họp chiều 22/11/2019 sẽ không còn nội dung biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Dự án này đã được trình Quốc hội xem xét đầu kỳ họp này với dự kiến thông qua theo quy trình một kỳ họp.

Tuy nhiên, qua thảo luận tại tổ và tại hội trường, ý kiến lo ngại còn rất nhiều.

Theo tổng hợp của Tổng thư ký Quốc hội thì nhiều ý kiến cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật chủ yếu tập trung vào việc cụ thể hóa các nội dung trong nghị quyết số 18/NQ-TW về tinh gọn bộ máy mà chưa tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Dự thảo luật cũng chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện luật thời gian qua. Nội dung sửa đổi, bổ sung chưa tạo được cơ sở pháp lý để kết nối, gắn bó chặt chẽ về mặt tổ chức và các điều kiện, yếu tố đảm bảo cho Quốc hội hoạt động có hiệu quả.

Vì vậy, nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu, mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của luật, trong đó tập trung làm rõ mô hình, cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, địa vị pháp lý của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội để bảo đảm đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. 

Đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội thông qua dự án luật này tại kỳ họp sau (tháng 5/2020) theo trình tự xem xét, thông qua tại hai kỳ họp để có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết.

Sau đó, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi văn bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về thời điểm thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội . Tính đến 9h ngày 14/1, đã có 410/483 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (bằng 84,89% tổng số đại biểu Quốc hội).

Kết quả, có 404/410 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (chiếm 83,64% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đề nghị lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sang kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) theo trình tự xem xét, thông qua tại hai kỳ họp.

 Có 6/410 (bằng 1,46%) đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến (chiếm 1,24% tổng số đại biểu Quốc hội) không tán thành với đề nghị lùi thời điểm thông qua dự thảo luật.

Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến khác, như cần tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để góp ý vào dự thảo luật, xin ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ vừa qua để sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn bản, cốt lõi trong hoạt động của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội khoá 15 hoạt động hiệu quả hơn. 

Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề như: xác định vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước, tránh xu hướng hành chính hoá tổ chức và hoạt động của Quốc hội bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Coi đại biểu Quốc hội là hạt nhân trung tâm của Quốc hội để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Có ý kiến đề nghị đổi tên dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thành dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) để sửa đổi một cách toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội.