07:53 09/11/2023

5 chính sách quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam

Thanh Xuân

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu ở Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Bộ Xây dựng xây dựng 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn: "Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023".
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn: "Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023".

Phát biểu tại diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023”, diễn ra ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết trong Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững, Bộ Chính trị đã tổng kết những thành tựu đạt được của quá trình phát triển đô thị Việt Nam sau 35 năm đổi mới. Đó là không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả; chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước nâng cao; đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 902 đô thị.

TỶ LỆ ĐÔ THỊ HÓA ĐẠT ĐƯỢC THẤP

Bên cạnh kết quả tích cực, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng thẳng thắn nêu ra một số bất cập: tỷ lệ đô thị hoá đạt được vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Không những thế, chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế thấp. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dân số lẫn kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Hơn nữa, ô nhiễm môi trường tại đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực. Ngoài ra, khả năng tiếp cận dịch vụ công, cùng phúc lợi xã hội của người nghèo, lao động di cư tại đô thị nhiều bất cập; năng lực quản lý, quản trị đô thị yếu, chậm đổi mới.

Đề cập đến vấn đề này, bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng, chia sẻ thêm: thời gian qua, công tác quy hoạch còn bất cập, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị hiện nay, từ đó chưa phát huy tốt vai trò định hướng phát triển không gian đô thị. Cụ thể, một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan tới quy hoạch chưa bắt kịp xu hướng, nhu cầu và mô hình phát triển mới.

Mặt khác, về phương pháp tiếp cận, việc quy hoạch hiện chưa liên kết chặt chẽ tới quản lý phát triển đô thị, tới quá trình thực thi quy hoạch. Bao gồm việc thiếu lồng ghép những công cụ kiểm soát triển khai quy hoạch, huy động nguồn lực cho phát triển đô thị. Các vấn đề xuyên suốt như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở cho người thu nhập thấp…. chưa tích hợp đúng mức trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị. Quy hoạch đô thị vẫn phải điều chỉnh khá thường xuyên, chưa có sự tham gia xuyên suốt giữa các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng dân cư.

“Những tồn tại, hạn chế nêu trên đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục chung tay, tập trung nhận diện vấn đề và giải quyết, để hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước”, chuyên gia nhấn mạnh.

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ BỀN VỮNG ĐỒNG BỘ VỀ MẠNG LƯỚI 

Trước thực trạng trên, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, thông tin: nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu ở Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục Phát triển đô thị đã nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Bộ Xây dựng xây dựng 5 chính sách trong quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Chính sách 1 về phân loại, quản lý phát triển hệ thống đô thị bền vững, đồng bộ về mạng lưới và phù hợp vùng miền: Quy định các tiêu chuẩn chất lượng sống tại đô thị; phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; bảo đảm tính kết nối cao giữa các đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị trung tâm cấp quốc gia với đô thị vùng và khu vực nông thôn.

Chính sách 2 về quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị hiện đại, xanh, thông minh, hướng tới phát triển bền vững: Bảo đảm kết hợp đồng bộ, hài hoà giữa phát triển đô thị mới với cải tạo, chỉnh trang, tái phát triển đô thị, phát triển đô thị có quy hoạch, kế hoạch, định hướng hiện đại, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai dịch bệnh.

Chính sách 3 về quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu: Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý phát triển và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật và bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ hạ tầng xã hội và phát triển đa dạng không gian công cộng đô thị.

Chính sách 4 về quản lý phát triển không gian ngầm đô thị: Thúc đẩy phát triển, khai thác sử dụng không gian ngầm đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần đa dạng hóa không gian phát triển của đô thị.

Chính sách 5 về tăng cường phân cấp, phân quyền và nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị: Đẩy mạnh đổi mới, hiện đại hóa, thiết lập nền tảng để chuyển đổi sang mô hình quản lý phát triển đô thị dựa trên kết quả, nâng cao hiệu quả quản lý phát triển đô thị, quy định chuẩn hóa năng lực nghiệp vụ quản lý phát triển đô thị gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương và vai trò của cộng đồng trong quản lý phát triển đô thị.

Đóng góp ý kiến cho diễn đàn, bà Hằng lưu ý để quy hoạch đô thị hướng tới phát triển đô thị bền vững cần tập trung vào phương pháp tiếp cận và triển khai lập quy hoạch đô thị hiện tại Việt Nam; những phương pháp, quan điểm tiếp cận quy hoạch mới như phương pháp tích hợp, phương pháp tiếp cận có sự tham gia trong quy hoạch đô thị phải được hiệu chỉnh và ứng dụng cho phù hợp.

Theo ông Đỗ Hậu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và khắc phục những tồn tại, các giải pháp cần nghiên cứu một cách toàn diện và đồng bộ với sự tham gia của mọi tổ chức, mọi thành phần trong xã hội.