11:22 04/05/2024

ADB khuyến nghị 4 giải pháp để đầu tư công thành động lực tăng trưởng

Hoàng Lan

Theo ADB, năm 2024, lãi suất quốc tế neo cao, lạm phát dự kiến tăng cùng với quá trình phục hồi kinh tế, khiến chính sách tiền tệ cạn dư địa. Do đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả đầu tư công để kích thích tăng trưởng…

Tại báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam 2024-2025, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định nhu cầu toàn cầu suy yếu do phục hồi kinh tế chậm và căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ làm chậm quá trình khôi phục hoàn toàn ngành chế biến xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Fed và các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế phát triển trì hoãn việc cắt giảm lãi suất cũng sẽ cản trở định hướng chính sách tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, các biện pháp tài khóa hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công vẫn là những giải pháp chính sách then chốt để kích thích tăng trưởng.

TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG CHỈ ĐẠT 80% QUA CÁC NĂM

Theo ADB, tăng trưởng chậm lại đã làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ cấu trúc của nền kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI làm đầu tàu, mối liên kết yếu kém giữa ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với phần còn lại của nền kinh tế, các thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng và các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp. Do vậy, các biện pháp chính sách trong năm 2024 cần kết hợp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn với khắc phục các yếu kém cơ cấu trong dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Trong khi đó, vị thế tài khóa thuận lợi, thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỷ lệ nợ công trên GDP thấp, giúp Việt Nam có đủ không gian tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng. 

 

"Cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Chương trình giảm thuế giá trị gia tăng hiện tại đã được gia hạn tới tháng 6 năm 2024 và có thể được kéo dài tới cuối năm 2024. Một lượng lớn vốn đầu tư công, tương đương 27,3 tỷ USD, đã được lên kế hoạch giải ngân trong năm nay. Cùng với số vốn giải ngân trong năm 2023, khoản đầu tư công bổ sung này sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể. Đầu tư công được đẩy mạnh và điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024”, báo cáo của ADB nêu.

Theo các chuyên gia, năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, ADB cho biết tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch đầu tư công luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm.

Giải ngân đầu tư công giai đoạn 2022-2024.
Giải ngân đầu tư công giai đoạn 2022-2024.

Theo Bộ Tài chính, ước tính đến 30/4/2024, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024 đạt 16,41%, là 115.906,9 tỷ đồng (đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2023 đạt  14,66%  tổng  kế hoạch và đạt  15,65%  kếhoạch  Thủ tướng Chính  phủ giao).

Đến 30/4, giải ngân vốn kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024 là 2.546,4 tỷ đồng, đạt 9,81% kế hoạch (25.948,7 tỷ đồng).

GỠ 4 NÚT THẮT TRONG GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Những năm qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, ADB khuyến nghị để duy trì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định.

Theo đó, ADB chỉ ra 4 thách thức chính sách mà Việt Nam nên tập trung tháo gỡ.

Thứ nhất, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Một cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện. Nhiều dự án đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án. Dự án có tính sẵn sàng cao để đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn.

Thứ hai, các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách. Điều này gây gián đoạn kéo dài trước khi có thể bắt đầu hoạt động dự án. Một trở ngại lớn cho việc chuẩn bị các dự án kịp thời và có chất lượng là sự phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Theo ADB, sự cứng nhắc này là một thách thức lớn trong tình huống thị trường có biến động. Giá cả tăng cao do thiếu nguyên liệu và đầu vào cho sản xuất – xảy ra do những hạn chế pháp lý - dẫn đến chi phí cao hơn, buộc phải đàm phán lại hợp đồng hoặc cần thêm kinh phí và phê duyệt bổ sung.

ADB khuyến nghị sửa đổi các quy định để cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và điều chỉnh phù hợp với mục đích, như một phần của việc cải thiện các thủ tục trong chu trình dự án. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt và quản lý dự án hiệu quả, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều tình huống khác nhau mà không phải lặp lại quy trình phê duyệt. Việc tăng cường năng lực của cán bộ phụ trách đầu tư công ở cấp tỉnh và địa phương cũng rất quan trọng để cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án.

Thứ ba, sự phối hợp yếu kém giữa đầu tư công và quy trình ngân sách dẫn tới phân bổ ngân sách chậm và không đủ. Trong những năm gần đây, báo cáo cho thấy các cơ quan trung ương nhận được nguồn vốn phân bổ cao hơn so với mức đề xuất, trong khi các tỉnh nhận được quá ít so với nhu cầu. Thách thức cấp bách từ sự chênh lệch giữa ngân sách được phân bổ và nhiệm vụ đầu tư thường dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách và chậm trễ trong triển khai dự án—ngân sách có thể không được phân bổ một cách tối ưu cho những lĩnh vực ưu tiên đã xác định, dẫn đến không tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực. Điều này làm hạn chế tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.

Thứ tư, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong phân bổ và giải ngân ngân sách. Điều này thúc đẩy sự phối hợp tốt hơn giữa chính quyền trung ương và địa phương, xác định ưu tiên cho dự án dựa trên tác động và tính sẵn sàng, đồng thời thực hiện các cơ chế giám sát nghiêm ngặt để bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả với hiệu suất cao.

Tuy nhiên, ADB đánh giá hiệu quả của các biện pháp này còn hạn chế. Sự chênh lệch giữa năng lực thực thi ở các cấp chính quyền khác nhau cho thấy rõ sự cần thiết phải tăng cường quy trình phân bổ vốn và xây dựng năng lực của chính quyền địa phương. Việc phân cấp nhiệm vụ đầu tư công và trách nhiệm tài khóa đang diễn ra đã bộc lộ những điểm yếu trong việc giải quyết các thách thức liên tỉnh hoặc liên vùng.

Do đó, ADB khuyến nghị quy trình ngân sách nên được điều chỉnh để cho phép sự linh hoạt, hiệu quả hơn ở cấp bất kỳ (trung ương hoặc tỉnh) nhằm đóng góp nguồn lực cho một dự án được điều phối cấp khu vực.