07:00 28/10/2023

Ba tỉnh Tây Nguyên kiến nghị gỡ vướng trong đầu tư đất lâm nghiệp

Ban Mai

Ba tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng đã có kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai đầu tư công trình, dự án… liên quan đến đât lâm nghiệp, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo các địa phương, Luật Đất đai 2013 có quy định cho thuê đất rừng phòng hộ, nhưng Luật Lâm nghiệp năm 2017 không quy định cho thuê rừng phòng hộ, dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.

NHIỀU DỰ ÁN VƯỚNG TÀI NGUYÊN

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc cho thuê đất, thuê rừng phòng hộ để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Đối với tỉnh Đắc Nông, địa phương đang gặp khó trong việc triển khai một số dự án trong khu vực quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít. Tỉnh cũng đang gặp khó trong việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hay đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị mà đất có nguồn gốc một phần diện tích Nhà nước, một phần còn lại chưa giải phóng mặt bằng.

Đối với tỉnh Đắk Lắk, địa phương hiện đã có nhiều nhà đầu tư có năng lực phát triển sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đề xuất thực hiện các dự án nông nghiệp có quy mô lớn, hiện đại. Nhưng vướng mắc lớn nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất… dẫn tới tình trạng đất để không lãng phí…

Với nhiều kiến nghị của 3 tỉnh Tây Nguyên ở trên, Đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến công tác tới các địa phương này và có Báo cáo số 104/BC-ĐCT (ngày 19/5/2023) về các vấn đề phát sinh trên địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng.

Theo đó, tại Báo cáo số 104 ở trên của Đoàn công tác Chính phủ đã nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu  của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

Thứ nhất, vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng, xuất nhập khẩu (như công tác hỗ trợ tái định cư, công tác tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư…). Các chính sách về tín dụng, chính sách thuế, lệ phí chưa phù hợp với tình hình, sự biến động của thực tế.

Thứ hai, những nội dung liên quan đến công tác Quy hoạch, tổ chức thực hiện Quy hoạch (Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình thẩm định, phê duyệt; Việc lập, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành, lĩnh vực; quy hoạch còn chồng chéo giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch các ngành...).

Thứ ba, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững mới đang ở giai đoạn đầu. Theo đánh giá của Đoàn công tác, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng còn thấp. Đồng thời, quy hoạch lâm nghiệp chưa có tính ổn định về thời gian và không gian, diện tích đất trống quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp còn bị lấn chiếm. Việc lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn chậm…

Thứ, công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy cần lộ trình rà soát, điều chỉnh để vừa đảm bảo an toàn, vừa sát với thực tiễn khách quan; đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và xây dựng.

Thứ năm, một số khó khăn, vướng mắc liên quan tới tính đặc thù của địa phương như việc triển khai đầu tư công trình, dự án, khai thác đất làm vật liệu san lấp… nằm trong vùng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bô xít và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

ĐẢM BẢO THU HỒI, BẢO VỆ TÀI NGUYÊN

Đoàn công tác của Chính phủ cho rằng việc bảo vệ và khai thác rừng của vùng Tây Nguyên nói chung và 3 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) nói riêng có ý nghĩa rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, an sinh xã hội, sinh kế và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Do vậy, Đoàn công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp theo hướng quy định đầy đủ các chính sách về đầu tư bảo vệ và phát triển rừng nói chung, chính sách cụ thể theo loại rừng và đối tượng, mức hỗ trợ, trong đó có mức hỗ trợ về trồng rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất)…

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về rừng; phối hợp với các địa phương để rà soát, bàn giao cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân để tự đầu tư kinh doanh (khoanh nuôi, tái sinh) và hưởng lợi từ kết quả sản xuất, kinh doanh nghề rừng; Nhà nước chỉ trực tiếp đầu tư, quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ xung yếu, hoặc những vùng rừng không thể giao khoán.

Theo Đoàn công tác, các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ rà soát quy định của các luật không còn phù hợp với thực tiễn (Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Phòng cháy, chữa cháy), vì có nhiều quy phạm chồng lấn nhau, các địa phương không thể triển khai thực hiện (đó là quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Đất đai 2013 về giao đất, không thu tiền sử dụng đất với điểm b, khoản 2 Điều 16 và 17 Luật Lâm nghiệp năm 2017 không thống nhất với nhau về quy định cho thuê rừng phòng hộ theo kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng).

Đoàn công tác đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để tạo động lực thu hút đầu tư, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đoàn công tác cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp, hướng dẫn tỉnh Đắk Nông rà soát, tháo gỡ những khó khăn liên quan đến triển khai dự án đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch, trong đó, rà soát lại Quy hoạch bô xít, đánh giá lại trữ lượng, đẩy nhanh quá trình khai thác từ 400 năm rút xuống còn 100 năm nhằm tận dụng cơ hội nguồn nguyên liệu đang khan hiếm mà Việt Nam có lợi thế. Trường hợp được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kết cấu hạ tầng, dịch vụ du lịch…, cần đảm bảo nguyên tắc thu hồi, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, quặng bô xít theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: đề nghị nâng định mức trồng rừng, triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các - bon rừng, lập phương án sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các lâm trường bàn giao về địa phương quản lý…