"Bấm móng tay" với tái cơ cấu Sacombank
Sau một năm với nhiều kết quả, bước ngoặt tái cơ cấu Sacombank vẫn còn ở phía trước
Như lẽ tự nhiên, người ta thường dùng tay thuận trước để cầm nhíp khi tự bấm móng tay. Từ dễ đến khó. Quá trình tự tái cơ cấu Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang diễn ra như vậy.
Sacombank vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu 2018 - mốc đánh dấu tròn một năm sau đại hội đồng cổ đông đặc biệt, cũng là năm đầu tiên thực hiện tự tái cơ cấu.
Sinh khí mới
Báo cáo cho biết, nửa đầu 2018 Sacombank đạt gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 54,2% kế hoạch năm; nợ xấu giảm xuống 3,3%, mục tiêu xuống dưới 3% vào cuối năm.
Về mặt số liệu báo cáo này, đây là kết quả tốt nhất trong 3 năm trở lại đây, kể từ khi khó khăn sau sáp nhập Southern Bank.
Như VnEconomy từng đề cập ở những năm trước, giai đoạn ngân hàng này thực sự khó khăn và nhiều chỉ số cơ bản lao dốc sau sáp nhập, có một giá trị quan trọng luôn nâng đỡ là nguồn tiền gửi.
Nửa đầu năm nay, giá trị đó tiếp tục thể hiện: huy động vốn của Sacombank tăng rất mạnh, lên tới 11,9% so với đầu năm, cao vượt trội so với tăng trưởng bình quân ngành. Giá trị, vì tăng trưởng huy động phản ánh niềm tin của thị trường, của người gửi tiền trong điều kiện không quá cạnh tranh về lãi suất, và điều này càng quan trọng với một ngân hàng đang khó khăn với tái cơ cấu.
Dù khó khăn kéo dài, có những gánh nặng lớn, nhưng một thế mạnh nữa của Sacombank cũng luôn khẳng định những năm qua: hoạt động bán lẻ và cạnh tranh dịch vụ.
Báo cáo 6 tháng 2018 cho biết, thu dịch vụ của Sacombank tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Thế mạnh của ngân hàng hàng đầu nhiều năm trước đây về phát triển dịch vụ vẫn còn đó.
Với kết quả kinh doanh tiếp tục chuyển biến, đặc biệt ở năng lực thu hút tiền gửi, ngay từ đầu năm nay Hội đồng Quản trị Sacombank đã họp bàn tạm ngừng nhận nguồn vốn tái cấp vốn từ trái phiếu VAMC, gần đây cũng tạm ngừng xin Ngân hàng Nhà nước gia hạn giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND 12 tháng - hai kênh hỗ trợ đầu vào.
Bên cạnh kết quả kinh doanh lượng hóa bằng những con số, một năm trở lại đây dễ nhận thấy có thay đổi lớn tại Sacombank, tạo sinh khí mới với hàng loạt dự án mới về sản phẩm, dịch vụ, công nghệ… liên tục được triển khai, thay vì trầm đi ở những năm trước.
Dễ trước, khó sau
Sacombank dự kiến triển khai tái cơ cấu trong 5 năm (tính từ tháng 6/2017). Nhưng, báo cáo mới đây của Hội đồng Quản trị cho biết, sau khi triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu quyết liệt, họ có nền tảng để rút ngắn thời gian hoàn thành đề án.
Như lẽ tự nhiên dùng tay thuận trước khi tự bấm móng tay, những cái "dễ" khi tái cơ cấu được làm trước, tạo điều kiện để xử lý những cái khó sau.
Điều đó cũng phản ánh rõ sau năm đầu tiên tái cơ cấu Sacombank. 2017, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm và cũng là 6 tháng đầu tiên của quá trình, họ xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có hơn 14.200 tỷ tự xử lý và thu hồi.
Còn theo báo cáo nửa đầu năm nay, Sacombank thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng.
Những con số so sánh tương đối trên phản ánh mức độ chậm lại, dù năm nay Sacombank đặt mục tiêu tiếp tục xử lý lượng nợ xấu tối thiểu như 2017, và 2018 vẫn còn thời gian 6 tháng. Nhưng, sau những khoản "dễ" xử lý hơn đã làm trước, phần còn lại có thể khó hơn.
Đầu năm nay, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank cũng cho biết, trong năm 2017, khi triển khai để án tái cơ cấu, ngân hàng đã tập trung giải quyết những tài sản xử lý nợ dễ khoanh vùng, tính thanh khoản cao và có thể xử lý ngay để có được kết quả; việc xử lý những tài sản tồn đọng giai đoạn tiếp theo sẽ thách thức hơn.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng, khi đã gỡ được những khó khăn bước đầu và hy vọng với sự thuận lợi của thị trường, Sacombank sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục xử lý theo lộ trình tái cấu trúc đã được phê duyệt.
Sau tròn một năm với những kết quả trên, ít nhất Sacombank đã tiến lên một bước để tránh xa tình thế nguy hiểm trước đây. Ngân hàng có thêm điều kiện, bớt một phần gánh nặng để hướng tới rút ngắn thời gian tái cơ cấu như Hội đồng Quản trị dự tính ở trên.
Nhưng, một trong những điểm quan trọng nhất của tái cơ cấu, cũng là một trong những thử thách lớn vẫn còn ở phía trước: tái cơ cấu cổ đông, dù sau khi đã có nhân tố mới và từng bước kiện toàn cơ cấu quản trị điều hành.
Cho đến nay, tại Sacombank, Ngân hàng Nhà nước (cụ thể là VAMC) vẫn là đại diện cho tỷ lệ sở hữu cổ phần lớn từ ủy quyền vô thời hạn và không hủy ngang từ ông Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank) và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Việc thoái, thay đổi cơ cấu sở hữu được ủy quyền đó, hoặc sự định hình sở hữu này trong tương lai sẽ là một trong những điểm quyết định, để hướng tới một Sacombank hoàn toàn bình thường, để thành công toàn diện quá trình tái cơ cấu.
Thành công tái cơ cấu ở đây có ý nghĩa lớn với toàn hệ thống, khi quy mô tổng tài sản Sacombank đến tháng 6/2018 đã lên tới gần 401.000 tỷ đồng.