Băn khoăn nhận định động lực tăng trưởng vẫn dựa vào tài nguyên
Cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều tham dự phiên thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp này
Chính phủ đặt ra phương châm kiến tạo, hành động, thì phải nhìn thẳng vào sự thật tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than và dầu khí, tức là tiếp tục làm cạn kiệt của để dành.
Đó là vấn đề được đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tp.HCM) nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách sáng 22/5 của Quốc hội.
Một số vị đại biểu khác cũng có cùng băn khoăn về ý nghĩa thực chất của tăng trưởng.
Tuy nhiên, ở một tổ thảo luận khác, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về nhận định động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than... được nêu tại báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp sáng 21/5.
Cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đều tham dự phiên thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp này.
"Báo cáo của Chính phủ như nồi lẩu"
Ý kiến tại các tổ thảo luận đều ghi nhận con số ấn tượng của tăng trưởng GDP 2017 và quý 1/2018 cũng như sự điều hành sâu sát của Thủ tướng và Chính phủ.
Tuy nhiên, theo nhận xét của đại biểu Nguyễn Minh Đức thì "báo cáo của Chính phủ" như nồi lẩu, rất khó có thể truy được trách nhiệm trong quản lý vĩ mô.
Thể hiện thái độ hoàn toàn tán thành với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, ông Đức phân tích, tăng trưởng tuy cao nhưng nếu như vẫn phụ thuộc vào than và dầu khí thì tức là vẫn phụ thuộc vào của để dành. Mà, kỳ họp trước Chính phủ cũng đã xin khai thác thêm 15% để tăng GDP, tức là của để dành tiếp tục cạn kiệt.
Rồi theo đánh giá của Uỷ ban Kinh tế thì ngân sách Trung ương bị hụt thu, chưa phát huy được vai trò chủ đạo. Số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh thấp hơn khá nhiều so với dự toán và thấp hơn số đã báo cáo...
Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, Chính phủ kiến tạo cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế này để có giải pháp hiệu quả cho những vấn đề vĩ mô của nền kinh tế.
Vị đại biểu Tp.HCM cũng nhận xét, phản ứng của Chính phủ trong xây dựng pháp luật rất chậm, chẳng hạn như việc mua bán bất động sản tại ba khu vực dự kiến làm đặc khu kinh tế cần được ứng xử bằng công cụ pháp luật thì lại chưa có. Hay, Quốc hội đã có nghị quyết về xử lý nợ xấu nhưng sau đó kết quả thực hiên thế nào, báo cáo cũng không nêu rõ.
Rồi giấy phép con giấy phép cháu trong sản xuất kinh doanh còn rất nhiều nhưng cũng mới chỉ có Bộ Công Thương cắt giảm được điều kiện kinh doanh.
Đề nghị của đại biểu Đức là Chính phủ cần ra tối hậu thư với các bộ, ngành, đến ngày giờ nhất định mà không bỏ được giấy phép con thì cần xác định trách nhiệm người đứng đầu.
Nhận xét của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) là "bảng màu" của báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế có sự thay đổi sắc độ lớn, cho nên cần hài hoà cả hai.
Cho rằng Chính phủ cần lưu ý hơn đến tính tuân thủ kỷ luật tài chính, bà Mai ví dụ nghị quyết của Quốc hội nêu rõ là không được phát sinh nợ xây dựng cơ bản sau 2014, nhưng theo báo cáo thì thấy nợ này phát sinh rất lớn., thẳng thắn mà nói là vi phạm nghị quyết của Quốc hội.
Nhiều ý kiến khác cũng băn khoăn về những đánh giá về đầu tư công, an sinh xã hội... được lặp lại nhiều năm tại báo cáo Chính phủ nhưng thiếu đánh giá, phân tích sâu sắc.
Nói phụ thuộc dầu thô, than đá có đúng không?
Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ muốn nghe các đánh giá mới hơn về tình hình trong nước năm 2017 để nhìn nhận rõ hơn kinh nghiệm trong quá trình điều hành chỉ đạo như thế nào không thì lại quay lại đánh giá cũ của cuối năm ngoái.
Ông Huệ dẫn lại lời Tổng bí thư trong phát biểu tại Hội nghị trung ương 7 vừa qua: "Năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước ta đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Về kinh tế xã hội sau nhiều năm chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phat được kiểm soát ở mức 3,53%. Các cân dối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, bội chi ngân sách mức thấp khoảng 3,5% so với GDP, thị trường tiền tệ ổn định, dự trữ ngoại hối 61.5 tỷ USD, thị trường chứng khoán khởi sắc,... Sản xuất kinh doanh tiép tục phục hồi phát triển toàn diện trên 3 lĩnh vực công nghiệp nông nghiệp và dịch vụ".
Mà ta nói tăng trưởng phụ thuộc dầu thô than đá thì có đúng không ? Năm 2016, 2017 công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm hết, Phó thủ tướng phát biểu.
Ông Huệ cũng nhấn mạnh là khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc 7,44% kể từ năm 2008 tới nay. Trong đó, tiêu dùng trong nước trên 10% trừ lạm phát thì vẫn cao đóng góp cho tăng trưởng.
Hay tình trạng ngân sách Trung ương hụt thu thì phải phân tích tại sao hụt và địa phương tăng, phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát- là trách nhiệm đầu tiên là của Bộ tài chính và Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không?, Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Ông Huệ cũng nhấn mạnh, đương nhiên khâu dự toán này thì các Uỷ ban thẩm tra và Quốc hội quyết định.
Phó thủ tướng "mong Quốc hội có cách nhìn nhận đúng nhất, khách quan giúp cho kinh tế trong nước đi đúng hướng. Trong khi các tổ chức quốc tế họ đánh giá Việt Nam tăng hạng. Chúng ta lại đang ở giai đoạn làm nhiệm vụ kép và phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ bao nhiêu năm trước ngày càng bộc lộ như nợ xấu công, các dự án yếu kém...".