Bán tháo chưa dừng, chứng khoán châu Á lập đáy mới của 2019
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba
Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục trượt dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang lên ngưỡng cao mới, giáng mạnh vào niềm tin vốn đã mong manh của nhà đầu tư.
Không còn là đồn đoán, Trung Quốc đã chính thức xác nhận dừng mua nông sản Mỹ. Trước đó, vào ngày thứ Hai, Bắc Kinh "thả" cho tỷ giá Nhân dân tệ giảm quá ngưỡng 7 tệ đổi 1 USD - mốc tỷ giá vô cùng nhạy cảm chưa hề bị phá vỡ suốt từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Hai động thái liên tiếp trên được xem như Trung Quốc đã dùng tới hai trong số những "vũ khí" mạnh nhất của mình để trả đũa Mỹ trong thương chiến.
Cuộc chiến này bất ngờ leo thang mạnh từ hôm thứ Năm tuần trước, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế quan 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9. Đối mặt với sự trả đũa quyết liệt của Trung Quốc, Mỹ ngày thứ Hai tiếp tục tỏ quan điểm cứng rắn bằng cách chính thức gọi Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá.
Ngày thứ Ba, Trung Quốc có động thái hạn chế đà lao dốc của tỷ giá Nhân dân tệ, bằng cách đặt tỷ giá tham chiếu cao hơn dự báo, đồng thời công bố kế hoạch phát hành trái phiếu tại thị trường Hồng Kông. Nhờ đó, tỷ giá Nhân dân tệ đã phục hồi nhẹ và tốc độ bán tháo cổ phiếu trên thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm đi phần nào.
Vào thời điểm đóng cửa, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của khu vực đều đã thoát khỏi mức đáy thiết lập vào buổi sáng, nhưng sắc đỏ vẫn phủ khắp các thị trường.
Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite chốt phiên với mức giảm 1,56%. Chỉ số tổng hợp Thẩm Quyến giảm 1,78%.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng trượt 0,67%, sau khi có thời điểm giảm hơn 2%.
Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật mất 0,65%, còn chỉ số Topix trượt 0,44%. Lúc mở cửa sáng nay, Nikkei 225 sụt 3%.
Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc mất 1,51% điểm số. Chỉ số S&P/ASX 200 sụt 2,44%.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,79%, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Phiên giảm điểm này của chứng khoán châu Á là sự tiếp nối phiên "rực lửa" vào đêm qua của chứng khoán Mỹ, khi Dow Jones mất hơn 700 điểm, S&P 500 sụt gần 3%, và Nasdaq "bay" 3,5% điểm số.
Đây là phiên giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay của chứng khoán Mỹ. Trong vòng 4 phiên giảm liên tiếp gần nhất, S&P 500 đã mất 1,4 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa - theo dữ liệu từ CNBC.
Giới phân tích đang đặt ra khả năng có những bước leo thang tiếp theo trong thương chiến Mỹ-Trung.
"Việc chính thức dán nhãn Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá mang lại cho nước Mỹ một lý do để có thêm động thái" đẩy căng thẳng lên cao hơn - chiến lược gia Norihiro Fujito thuộc Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận xét với hãng tin Reuters.
"Thị trường đang tính đến khả năng Mỹ áp thêm thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây có thể sẽ là một cuộc chiến thương mại kéo dài, không có giải pháp nhanh chóng và dễ dàng", ông Fujito dự báo.
Giữa "cơn lũ" bán tháo của thị trường, giá cổ phiếu các công ty đất hiếm Trung Quốc hầu hết đều tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Cổ phiếu JL Mag Rare-Earth, Chengdu Galaxy Magnets và Jiangmen Kanhoo Industry cùng tăng khoảng 10%.
Trước đây, Bắc Kinh từ ngầm cảnh báo về việc sử dụng đất hiếm để trả đũa Washington, bởi khoáng sản này có vai trò quan trọng đối với ngành công nghệ của Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, khả năng Trung Quốc dùng đất hiếm làm "vũ khí" để đáp trả đũa Mỹ chỉ ở mức hạn chế.