11:15 24/09/2018

Bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư

Dũng Hiếu

Để tìm lời giải bài toán đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động di cư, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư

Các nước ASEAN cần ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương để bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư .
Các nước ASEAN cần ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương để bảo đảm an sinh xã hội cho lao động di cư .

Tại phiên thảo luận của Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN lần thứ 35 (ASSA 35), với chủ đề "Tự do dịch chuyển lao động tại các nước ASEAN và các nước đang phát triển", các chuyên gia đều cho rằng, để tìm lời giải bài toán đảm bảo an sinh xã hội đối với lao động di cư, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư.

Các chuyên gia cũng thống nhất, cần loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ họ tiếp cận dần với các chính sách an sinh xã hội của quốc gia tiếp nhận lao động…

Loại bỏ phân biệt đối xử

Theo ông Mohammed Azman (Tổ chức an sinh xã hội Malaysia), người lao động di cư khi đến làm việc ở một quốc gia khác thường chỉ quan tâm đến tiền lương và điều kiện làm việc, mà không quan tâm nhiều đến việc tham gia các chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động… Đáng chú ý, lao động di cư là nữ đang chiếm tỉ lệ lớn với các công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp như giúp việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân, lao công, nông nghiệp.

"Điều này đòi hỏi các quốc gia cần nhanh chóng có những giải pháp để thay đổi nhận thức, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng lao động di cư. Để làm tốt điều này, việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia về bảo hiểm xã hội là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất", ông Mohammed Azman nhấn mạnh.

Ông Jens Schremmer, Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội an sinh xã hội Thế giới (ISSA) cho rằng, người lao động di cư thường làm việc ngắn hạn, nhiều biến động, ít quan tâm đến quyền lợi của mình. Do vậy, công tác thống kê và truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được thiết kế hấp dẫn hơn; cách tiếp cận đơn giản, thuận tiện hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để lao động di cư dễ dàng tham gia, thụ hưởng các chế độ.

Ông Mohammed Azman cho rằng, lao động di cư hiện đang là vấn đề nóng không chỉ ở các quốc gia Châu Á, mà trên phạm vi toàn thế giới.

Hiện nay, ở Malaysia, thị trường lao động đã chịu sự phụ thuộc vào lao động di cư với con số tăng dần qua các năm (từ 1,8 triệu người được cấp phép năm 2014 tăng lên hơn 2,2 triệu người vào năm 2017). Ngoài ra, còn có những đối tượng không được cấp giấy phép.

"Đối với những lao động di cư được cấp giấy phép làm việc tại Malaysia, thì áp dụng theo quy định của Malaysia, nhằm hướng tới sự bình đẳng cho lao động di cư. Năm 2011, Malaysia đã sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó quy định chủ sử dụng lao động phải tuân thủ cơ chế ngừời lao động nước ngoài hưởng công bằng với lao động trong nước", ông Mohammed Azman cho biết.

Mở rộng độ bảo phủ bảo hiểm

Cùng chung quan điểm, ông Kim Young Eil, Giám đốc Trung tâm phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hàn Quốc (NPS) chia sẻ, để đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội cho lao động di cư, các quốc gia cần có hiệp định về an sinh xã hội với các quốc gia khác.

Hàn Quốc hiện có lao động làm việc tại 194 quốc gia, vì vậy, ở Hàn Quốc có Hiệp định an sinh xã hội (SSA) ký kết với các quốc gia có ngừoi lao động Hàn Quốc đến làm việc, nhằm giải quyết và đảm bảo các quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động khi làm việc ở nước ngoài hoặc sau khi về nước. Trong thực tế, nếu không có SSA, nhiều người lao động sẽ bị thiệt thòi khi dịch chuyển lao động.

Có thể thấy, việc ký kết các hiệp định về an sinh xã hội mang lại lợi ích to lớn cho lao động di cư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để ký kết được các hiệp định này, còn gặp không ít rào cản, thách thức. Các hiệp định thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện, ký kết, nhất là khi một số quốc gia không tìm được tiếng nói chung.

Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng, có rất nhiều hệ thống, mô hình về an sinh xã hội với sự khác biệt lớn. Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa hoàn thiện, độ bao phủ còn thấp, nên chưa đủ nguồn lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.

Dẫn chứng từ Việt Nam, ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) chia sẻ, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thường thuộc nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hiện, Việt Nam có 231.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, rất thấp so với 18 triệu lao động phi chính thức. Việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng này có nhiều thuận lợi khi hệ thống pháp luật đã cơ bản hoàn thiện, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm - thể hiện mạnh mẽ của các nghị quyết. Tuy nhiên, vẫn có không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi điều kiện kinh tế còn hạn chế.

"Trong xu thế dịch chuyển lao động, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 người đi làm việc tại nước ngoài và con số sẽ tăng lên hàng trăm ngàn người mỗi năm. Tuy nhiên, mới có khoảng 6.000 người trong nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội, trong khi chưa có phương pháp quản lý hiệu quả về bảo hiểm xã hội…", ông Đinh Duy Hùng cho biết.

Hiện nay, lao động di cư đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc xây dựng các chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, chính đáng và có thể thực hiện được qua các hiệp định song phương, đa phương về an sinh xã hội cũng như sự nỗ lực của mỗi quốc gia. Hiện các nước ASEAN đang tiếp tục hoàn thiện chính sách. Thế nhưng vẫn còn nhiều thách thức không thể giải quyết được ngay.