10:00 12/07/2022

"Bão" giá nguyên nhiên liệu sẽ cuốn phăng mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%?

Ánh Tuyết

Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới vẫn là “ẩn số” lớn nhất làm “lung lay” mục tiêu kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra còn khá lớn…

Giá xăng dầu, xi măng, sắt, thép, cát đều tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào thế giới tuy nhiên, nhiều nguyên liệu thô bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá xăng dầu, xi măng, sắt, thép, cát đều tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào thế giới tuy nhiên, nhiều nguyên liệu thô bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nỗi "ám ảnh" về tình hình lạm phát đang bủa vây hàng loạt quốc gia. Tháng 5, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1%, gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Mỹ với lạm phát tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981. Tại châu Á, lạm phát tháng của Thái Lan tăng 7,1%; Hàn Quốc tăng 5,4%; Indonesia tăng 3,55%; Nhật Bản tăng 2,5%...

Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng chỉ tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 1,25%. Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát tốt, đây được coi là một thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành giá của Chính phủ Việt Nam.

"Bão" giá nguyên nhiên liệu sẽ cuốn phăng mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%? - Ảnh 1
“BÃO GIÁ" DO NGUYÊN, NHIÊN LIỆU ĐẦU VÀO TĂNG ĐỘT BIẾN

Nhìn lại bức tranh thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% tiếp tục là “thủ phạm” đứng đầu, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm.

Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt khiến giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít so với đầu năm.

 

Tuy nhiên, do giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm giao thông lại chiếm trọng số khá thấp, chỉ 9,67% trong rổ tính CPI nên dường như sức “nóng” từ giá xăng dầu chưa phả hơi nóng vào những con số thống kê và chưa phản ánh đầy đủ hơi thở của cuộc sống.

Cùng với đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, do đó, giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.

Thêm vào đó, do đại dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu ăn ngoài nhà hàng gia tăng khiến giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

Giá xi măng, sắt, thép, cát cũng tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào thế giới cũng khiến giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Ngoài ra, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%).

Lý giải đà tăng bất thường của giá xăng dầu và các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Trưởng phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung khan hiếm.

Cùng với đó, “cộng hưởng” với sự phục hồi kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới khiến tổng nhu cầu đối với mặt hàng xăng dầu tăng cao.

Đặc biệt, sự cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đang sở hữu các nguồn tài nguyên về dầu mỏ và khí đốt, đứt gẫy về sản lượng khai thác dầu lửa tại một số quốc gia, thiếu hụt về vật tư và lao động trong hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng loạt quốc gia đưa ra các gói kích cầu, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gây ra tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao.

Các mặt hàng nguyên, vật liệu thị trường trong nước cũng chịu tác động từ giá thế giới. Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, giá thép xây dựng trong nước bắt đầu có chiều hướng gia tăng trở lại từ nửa đầu tháng 1/2022 và cao điểm trong khoảng tháng 3/2022 với mức giá dao động khoảng 19-20 triệu đồng/tấn, tăng 12% so với cuối quý 4/2021 trước khi có chiều hướng giảm về mức 17-18,2 triệu đồng/tấn từ nửa cuối tháng 5/2022 đến nay.

Còn giá thép trong nước giảm mạnh từ nửa cuối tháng 5 do ảnh hưởng bởi nhu cầu thép sụt giảm tại thị trường Trung Quốc từ chính sách “Zero Covid”; hàng tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy trong nước ở mức cao và việc triển khai các dự án xây dựng trong nước có xu hướng chậm.

Giá xi măng từ cuối năm 2021 và tháng đầu năm 2022 có xu hướng tăng nhẹ 4-6% do giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, nhất là than. Từ tháng 3/2022 đến nay cơ bản giữ ổn định với mức giá khoảng 1.200-2.900 đồng/kg, tăng khoảng 15% so với quý 4/2021, tuy nhiên, hiện vẫn có sự chênh lệch giá theo khu vực khi giá xi măng ở miền Nam ở mức tương đối cao do nguồn cung thấp.

Tuy nhiên, như VnEconomy đưa tin, vài tuần gần đây, giá các loại nguyên liệu thô quan trọng từ dầu mỏ đến yến mạch đồng loạt giảm, đưa chỉ số hàng hóa S&P GSCI trở lại mức trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.

Các nhà giao dịch trên thị trường tài chính dự báo lạm phát bình quân ở Mỹ sẽ chỉ ở mức 2,5% trong 5 năm tới, giảm mạnh so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 3.

NGUỒN CUNG THỰC PHẨM DỒI DÀO KÌM ĐÀ TĂNG LẠM PHÁT

Cùng với đó, cũng có nhiều tác nhân giúp kìm CPI trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đáng kể nhất, giá lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 25% quyền số trong rổ hàng hóa CPI lại giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. 

 

"Nếu không có nông sản do bà con nông dân “hai sương một nắng” làm ra thì giá cả có lẽ còn tăng cao hơn nữa, không phải 2,44% trong 6 tháng mà có thể lên đến 3%. So với nhiều quốc gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn, vừa có hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng hàng hoá vẫn cung ứng đầy đủ cho tiêu dùng trong nước”, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá.

Trong đó, giá thịt lợn giảm 20,12% do dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, nguồn cung thịt lợn đảm bảo; giá nội tạng động vật giảm 9,52%; giá thịt chế biến giảm 3,89%.

Giá dịch vụ giáo dục cũng giảm 3,56% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ 1 năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Các chuyên gia cho rằng giá các mặt hàng thực phẩm giảm trong đó có thịt lợn; giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Điều quan trọng là nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào, góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.

Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá có các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá.

CÒN DƯ ĐỊA KIỂM SOÁT LẠM PHÁT CUỐI NĂM?

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý giá, 6 tháng cuối năm 2022, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực cũng như tình hình cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là trong lĩnh vực thương mại dự báo vẫn diễn biến phức tạp và có các tác động tới kinh tế trong nước và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta.

Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch…

Lạm phát cuối năm còn chịu áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số dịch vụ công trong giai đoạn tới; giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng mạnh trong năm học 2022-2023.

 

Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên, vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%.

Ngoài ra, “chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thời tiết bất lợi trong năm có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ”, đại diện Cục Quản lý giá cho hay.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4% tức lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, nghĩa là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng.

“Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên, vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng”, ông Độ phân tích.

Hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên, vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao.

Bởi vậy, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là giá xăng dầu và giá các nguyên, vật liệu sẽ không tăng mạnh trong thời gian tới và tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Theo kịch bản này lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%.