Bất động sản "ế" gần 20.000 tỷ, Bộ nói không phải hàng tồn kho
Tổng giá trị của bất động sản chưa bán được đến thời điểm này vẫn còn khoảng 20.000 tỷ đồng
"Mặc dù giá trị hàng tồn kho, chưa bán của bất động sản hiện nay vào khoảng 20.000 tỷ, nhưng chúng tôi không còn gọi đó là tồn kho nữa, mà đó chỉ là sản phẩm chưa bán hoặc đang trong quá trình chuẩn bị tung ra thị trường của các doanh nghiệp địa ốc".
Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, đưa ra khi ông nhận được câu hỏi về tình trạng tồn kho của bất động sản hiện nay, sau một thời gian thị trường được cho là kém sôi động trong suốt mấy tháng vừa qua.
Trao đổi với VnEconomy chiều 9/4, ông Ninh cho biết, khái niệm "tồn kho bất động sản" xuất phát từ khoảng năm 2013, khi thị trường bất động sản bị suy giảm mạnh, số lượng sản phẩm làm ra của các doanh nghiệp, chủ đầu tư không bán được ngày càng ùn ứ nhiều. Khi đó, Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm "cứu" thị trường bất động sản.
Và bằng các cơ chế, chính sách, qua hàng năm, số lượng bất động sản tồn kho, không bán được của doanh nghiệp đã giảm dần. Từ giá trị hàng trăm tỷ đồng vào năm 2013 đã giảm xuống còn mấy chục nghìn tỷ và giảm mạnh trong vài năm gần đây.
"Về phía cơ quan quản lý, khi thị trường đã dần hồi phục và hoạt động bình thường thì chúng tôi không coi đó là tồn kho bất động sản nữa. Còn nếu so với mốc 2013 thì giá trị các sản phẩm bất động sản hiện chưa bán được của các chủ đầu tư vẫn còn khoảng 20.000 tỷ đồng", ông Nguyễn Trọng Ninh nói.
Trước đó, trong một báo cáo công bố cuối 2018, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động cho biết, thị trường bất động sản năm 2018 tiếp tục phát triển ổn định, không có nhiều biến động. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn lượng tồn kho bất động sản vẫn khá lớn với giá trị khoảng 22.976 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD.
Đáng chú ý, nguồn cung nhà ở trung - cao cấp lúc đó đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp mà thị trường đang cần nhiều.
Trong báo cáo đó, cơ quản quản lý cho biết, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) nói chung chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% nhu cầu thị trường và tập trung chủ yếu ở các đô thị lớn, các đô thị còn lại thì tỷ lệ này còn nhỏ hơn.
Ở phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) nhu cầu chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung lại đang rất thiếu. Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới hoàn thành được 3,92 triệu m2, mới chỉ đạt khoảng trên 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở là đến năm 2020. Đó là cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội nhưng hiện nay lại đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi.
Còn tại báo cáo công bố ngày 9/4, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường nhà ở và bất động sản trong quý 1/2019 nhìn chung tăng nhẹ nhưng không có biến động nhiều. Tại Hà Nội: Giá căn hộ chung cư quý giảm khoảng 0,03% so với quý 4/2018, trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 1,01% so với quý 4/2018, căn hộ trung cấp giá giảm khoảng 0,17%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,73%. Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,01% so với quý 4/2018.
Tại Tp.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,84% so với quý 4/2018, trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 3,7%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,76%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 4,12, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 5,25% so với quý 4/2018.