Bất động sản hồ hởi chờ kiều hối cuối năm
Giới đầu tư bất động sản đang sống trong những khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ một dòng vốn mới, tiếp thêm sinh khí cho các dự án trong khoảng thời gian trước và sau Tết
Mùa kiều hối cuối năm từ lâu vẫn được kỳ vọng là "món quà" đối với giới đầu tư bất động sản khi mà cầu có khả năng thanh toán của người mua nhà trong nước vẫn được xem là hạn chế lớn của thị trường địa ốc Việt từ nhiều năm nay.
Kiều hối có thể vượt năm 2016?
Kỳ vọng đó không phải là không có cơ sở khi Việt Nam được xếp vào top các nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường tài chính, vàng đang khá nhạy cảm, đầy rẫy những tiềm ẩn rủi ro thì những đồng vốn gửi về Việt Nam rất nhiều khả năng lại được trích một phần "gửi gắm" vào nhà đất.
Cuối tuần qua, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, cho biết, trong những tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối chuyển về đang tăng dần. Nếu như các tháng trước trung bình chỉ đạt 375 - 400 triệu USD/tháng, thì từ tháng 10 đã tăng lên 600 triệu USD và tháng 11 lên mức 650 triệu USD.
Dự kiến lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016.
Lượng tiền chuyển về chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (hơn 19%). Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM, 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, 22% được đổ vào bất động sản và 6% còn lại là tiêu dùng cá nhân.
Còn tại Hà Nội, dù chưa có thống kê của những tháng cuối năm, song trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố Hà Nội, doanh số kiều hối chuyển về đạt trên 800 triệu USD. Dự báo, con số của cả năm sẽ đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD.
Còn nếu tính cả nước, từ năm 2009 đến năm 2016, lượng kiều hối từ nước ngoài chuyển về liên tục tăng qua các năm, từ 7,18 tỷ USD năm 2009 lên 13 tỷ vào năm 2015 , trong đó lượng kiều hối từ Mỹ về Việt Nam chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối chuyển về.. Như vậy chỉ trong 6 năm con số này đã tăng khoảng gần 2 lần. Trong năm 2016 lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có sụt giảm khi đạt 9,3 tỷ USD do kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, biến động.
Theo một đại diện Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam có khoảng hơn 4,5 triệu người dân đang sinh sống, lao động, học tập tại 187 quốc gia và vùng lãnh thổ, có tiềm lực đáng kể về kinh tế, tri thức. Cùng với đó, kinh tế thế giới trong năm 2017 có nhiều khởi sắc hơn, do đó dòng kiều hối vào Việt Nam trong năm nay dự báo sẽ tăng cả về số tuyệt đối và tương đối so với GDP.
Điều đáng chú ý, theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, mặc dù Tp.HCM là địa phương dẫn đầu cả nước về đón lượng kiều hối, song một tỷ lệ lớn trong số đó đã được mang đi đầu tư khắp cả nước, trong đó có cả việc ra tận Hà Nội để mua nhà, đầu tư bất động sản vì thị trường Hà Nội được xem là dễ kiếm lợi nhuận hơn Tp.HCM.
Với những thống kê tích cực nói trên, giới đầu tư bất động sản đang sống trong những khoảnh khắc phấp phỏng đợi chờ một dòng vốn mới, tiếp thêm sinh khí cho các dự án trong khoảng thời gian trước và sau Tết.
"Bất động sản sẽ khởi sắc nhờ kiều hối"
Các chuyên gia cho rằng, trong khi thị trường vàng và USD không còn được ưa chuộng, một số kênh đầu tư tài chính khác lại tiềm ẩn rủi ro, thế nên dù chưa thể khẳng định được xu hướng mà dòng tiền này sẽ chảy, nhưng giới đầu tư bất động sản vẫn kỳ vọng rằng, không ít trong số đó sẽ quay trở về với địa ốc.
Hơn nữa, dường như đã trở thành thông lệ, trước và sau Tết là thời điểm nhu cầu mua mới, nâng cấp nhà cửa của người dân lại tăng lên. Đối với những người nhận kiều hối, đây cũng là dịp họ công khai hóa những đồng tiền mà người thân của mình gửi về bằng những căn nhà mới khang trang hơn, bề thế hơn.
"Không riêng gì năm nay, nhiều năm trước chúng tôi luôn kỳ vọng vào mùa kiều hối cuối năm bởi đó là thời điểm bán được hàng nhất. Hiện khả năng thanh toán của người mua nhà làm công ăn lương vẫn khá khó khăn thì lượng tiền kiều hối lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết đối với thanh khoản của các dự án. Tôi tin rằng, bất động sản cuối năm sẽ khởi sắc nhờ kiều hối", đại diện một sàn giao dịch bất động sản chia sẻ.
Đối với các chủ dự án bất động sản, để đón đầu lượng kiều hối cuối năm, hàng loạt dự án đã được đẩy nhanh tiến độ, liên tiếp bung hàng ra thị trường với vô số những ưu đãi, hỗ trợ đi kèm. Đại diện chủ đầu tư dự án Hinode City trên phố Minh Khai (Hà Nội) cho hay, để thu hút được lượng kiều hối đổ về cuối năm vào bất động sản và chính dự án của mình, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nhiều chương trình bán hàng phục vụ những khách hàng từ các địa phương, thậm chí từ Tp.HCM ra để mua nhà với khá nhiều chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi về hỗ trợ thủ tục, giấy tờ chứng minh nguồn tài chính…
"Năm nay, nhờ người thân gửi về được gần 100.000 USD nên tôi đã quyết định đăng ký và mua căn hộ chung cư Hinode City trên đường Minh Khai thuộc trung tâm quận Hai Bà Trưng. Đây là dự án tôi đã nhắm từ lâu vì nó thiết kế theo phong cách Nhật Bản, hiện đại và khá thông thoáng", chị Ngô Thị Hạnh (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Theo một đại diện của Tổng công ty Vietracimex, điều đáng mừng là từ vài năm trở lại đây, bên cạnh số lượng người nhận được tiền gửi về mua nhà cho chính gia đình mình, thì số lượng người nhờ người thân, họ hàng đứng tên mua nhà tại Việt Nam lại có xu hướng tăng đáng kể.
Đại diện chủ đầu tư dự án Hinode City cũng cho hay, doanh nghiệp này đang đặt nhiều kỳ vọng vào mùa kiều hối cuối năm nay. Và để chuẩn bị đón "làn gió mới" này, công ty đã quyết định mở bán dự án vào cuối năm nhằm đáp ứng nhu cầu của những người có nhu cầu đầu tư vào bất động sản sau khi nhận kiều hối.
"Thay vì đầu tư vào các phân khúc khác như biệt thự, nghỉ dưỡng, chúng tôi quyết định tập trung vốn cho một dự án chung cư Hinode City vào năm nay để đón mùa kiều hối. Hiện giờ nhà đầu tư trong nước vừa không dư giả tiền, vừa đang chờ tín hiệu thị trường, chỉ có những người có tiền nhàn rỗi mới là đối tượng chúng tôi hướng đến để cùng họ đầu tư lâu dài", đại diện Vietracimex cho hay.