Bê bối Món Huế và câu chuyện khắc nghiệt trong kinh doanh chuỗi F&B
Thời kỳ huy hoàng của Món Huế khép lại bằng một vụ bê bối: Đóng cửa toàn bộ hệ thống, nợ tiền nhân viên và nhà cung cấp
Những ngày vừa qua, thị trường Việt Nam xôn xao về thông tin chuỗi cửa hàng món Huế ngừng hoạt động. Chuỗi nhà hàng Món Huế thuộc Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế. Cơ cấu cổ đông công ty này gồm: Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam, chiếm tỷ lệ 3,3%; Huy Việt Nam Group Limited trụ sở tại đảo Cayman, Bắc Ireland chiếm 61%; và Huy Viet Nam trụ sở tại Hồng Kông chiếm 35,6%.
Ngoài Món Huế, các chuỗi cửa hàng khác do Huy Việt Nam vận hành cũng đóng cửa ngay sau đó như Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea…
Sự việc của "đế chế" Huy Việt Nam khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ của The KAfe. Sau khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông vào năm 2015, The KAfe trở thành tên tuổi đáng chú ý trên thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) Việt Nam và liên tục mở rộng. Tuy nhiên không lâu sau, các cửa hàng của The KAfe cũng đóng cửa.
Theo giới chuyên gia, Món Huế hay The KAfe đã thể hiện đầy đủ của một thương hiệu đạt được sự thành công sớm nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Tuy nhiên, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng mà cũng hết sức khắc nghiệt, chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh.
Món Huế và ba không
Chuyên gia kinh tế Trần Bằng Việt, CEO Dong A Solution cho rằng các vấn đề lớn nhất mà bất kỳ chuỗi nào cũng phải giải quyết tốt nếu muốn phát triển được đó là tài chính, trình độ quản lý và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, Món Huế đã không xử lý tốt các vấn đề này.
Đầu tiên, rủi ro tài chính đã bị xem nhẹ, thậm chí đánh đổi ở chuỗi nhà hàng này. Việc mở rộng quá nhanh trong khi chưa có hiệu quả tài chính đủ tốt tại những cửa hàng hiện hữu là quá mạo hiểm. Hy vọng quy mô tăng nhanh sẽ giúp giảm chi phí bình quân là chưa chính xác trong ngữ cảnh của ngành hàng F&B vốn đòi hỏi chi phí mặt bằng cao, tỷ lệ hư hỏng nguyên vật liệu lớn và mức độ đa dạng nguyên vật liệu cao dẫn đến ưu thế trong thương lượng với nhà cung cấp không thật tốt.
Chính điều này đã đốt tiền của nhà đầu tư, tạo ra sức ép tài chính/dòng tiền và gián tiếp tạo ra sự hy sinh/suy giảm về chất lượng sau này. Chứ ban đầu, chất lượng món ăn tại Món Huế hay Phở Hùng rất ổn. Các nỗ lực xây dựng các nhà máy thực phẩm trong chuỗi, theo ông Việt, cũng là để có được mức chi phí đầu vào thấp hơn.
"Tôi đã từng rất mê Món Huế. Mười hay mười hai năm trước, khách quốc tế nào đến thăm thì thế nào cũng sẽ được dẫn đến đấy ăn một bữa. Ai cũng trầm trồ tấm tắc làm ông chủ cũng thấy tự hào phơi phới. Khoảng 2 - 3 năm trước tôi mới ghé lại thì không được như trước nữa. Nhưng tôi cũng không nói hay nghĩ gì nhiều", ông Trần Bằng Việt kể lại.
Tiếp theo, tốc độ phát triển chuỗi nhanh quá so với chất lượng đội ngũ và hệ thống quản lý.
Sẽ rất dễ để tìm nhân sự và phương pháp quản lý phù hợp cho một, hai hay ba cửa hàng. Nhưng khi số lượng này tăng lên, nhất là tăng đột ngột trong một thời gian ngắn thì đó là một thảm hoạ. Và càng nặng nề hơn khi mở rộng sang những địa bàn khác, với đặc thù đội ngũ và quản lý quá khác biệt.
Theo ông Việt, không chỉ là Món Huế mà cả trăm thương hiệu khác đã và đang đau đầu mỗi ngày với những điều này. "Khổ nỗi rằng những điều này không dễ khắc phục, kể cả khi bạn có tiền hay rất nhiều tiền", ông Việt nói.
Nguyên nhân tiếp theo được ông Việt chỉ ra rằng, đó là việc thương hiệu của Món Huế đã được đánh giá quá cao. Thương hiệu của Món Huế và Phở Hùng là khá tốt. Nhưng lưu ý rằng chúng cũng có một phạm vi tác động nhất định, và sức mạnh của chúng cũng chỉ được phát huy khi đồ ăn đủ ngon mà thôi.
"Ta có thể ăn ngon mà không cần thương hiệu, nhưng không thể ăn ở quán thương hiệu mà không ngon và nhất là lại phục vụ tệ nữa. Sản phẩm thực phẩm sẽ khác hơn so với các sản phẩm mang tính biểu tượng khác", ông Việt nói.
Kết quả kinh doanh của Món Huế những năm trở lại đây cho thấy, quả thực việc mở rộng quy mô lại song hành cùng kết quả kinh doanh bết bát.
Cụ thể, tăng tốc từ năm 2015 sau khi nhận khoản đầu tư lớn từ các quỹ ngoại, Món Huế nâng số lượng nhà hàng lên gấp nhiều lần, 3 năm gần nhất, doanh thu của Món Huế đạt xấp xỉ 200 tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận từ mức gần 300 triệu đồng năm 2016 đã chuyển sang lỗ 54 tỷ năm 2017 và lỗ tiếp 50 tỷ đồng năm 2018.
Đến cuối năm 2018, chuỗi Món Huế có tổng tài sản hơn 750 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến chuỗi này thua lỗ nằm ở khoản chi phí bán hàng quá cao. Hai năm 2017 và 2018, chi phí bán hàng chiếm từ 80 đến 90% doanh thu, con số này tăng đáng kể so với tỷ lệ chưa tới 60% năm 2016. Món Huế thường chọn những địa điểm đắc địa với diện tích rộng.
Ngoài món Huế, cửa hàng trà sữa TP Tea của Huy Việt Nam cũng đóng cửa.
Nhà đầu tư kiện Huy Việt Nam ra toà
Trong văn bản gửi VnEconomy, nhóm các nhà đầu tư quốc tế của Công ty Huy Việt Nam gồm ADV Partners, AIF Capital, F&H Fenghe, Fortress Investments, Gryphus Capital và Welkin Capital cho biết đã tiến hành thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.
Những động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo. Ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.
Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân của các hoạt động này gồm cả nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh.
Trong đơn trình bày, nhóm nhà đầu tư này cho biết việc đóng cửa hàng loạt các nhà hàng diễn ra mà không có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, và cũng không vì lý do thương mại rõ rệt đã khiến hơn 1.500 nhân viên người Việt mất việc làm.
"Mặc dù rất thất vọng khi buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng trên, nhóm các nhà đầu tư hi vọng có thể được giải quyết khiếu kiện nhanh chóng và công bằng tại các tòa án Việt Nam, tương tự như lệnh phong tỏa tài sản đã được ban hành trước đó ở nước ngoài", đại diện nhóm nhà đầu tư cho biết.
Các hành động này không chỉ nhằm bảo vệ doanh nghiệp nói chung và khoản đầu tư của các nhà đầu tư vào Công ty Huy Việt Nam, mà còn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho nhân viên công ty, các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động ổn định cho doanh nghiệp này.
Trong khi đó, ngày 24/10, khoảng 20 nhà cung cấp của chuỗi Món Huế tiếp tục họp bàn để nộp đơn tố cáo Công ty TNHH nhà hàng Món Huế và Công ty Huy Việt Nam lên cơ quan Công an phường Cô Giang, Quận 1, Tp.HCM nơi công ty này đặt trụ sở chính.
Trước đó, nhóm các nhà cung cấp đã tìm đến Cảnh sát điều tra Kinh tế và tham nhũng pP.HCM nhưng bị từ chối và được hướng dẫn về Công an phường Cô Giang nộp đơn tố cáo.
Công ty Huy Việt Nam Group Limited hiện có các thương hiệu Món Huế, Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì, Phở 99 và TP Tea. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty đã tuyển dụng hơn 2.500 nhân viên trên toàn quốc và phục vụ 47.000 khách hàng mỗi ngày.