20:44 15/06/2019

Bị phản đối dữ dội, dự luật dẫn độ của Hồng Kông hoãn vô thời hạn

An Huy

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 15/6 tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ gây tranh cãi

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/6 - Ảnh: Reuters.
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam phát biểu tại cuộc họp báo ngày 15/6 - Ảnh: Reuters.

Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam ngày 15/6 tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật cho phép dẫn độ tội phạm từ vùng lãnh thổ này sang Trung Quốc đại lục xét xử. Động thái của bà Lam diễn ra sau khi dự luật gây tranh cãi dẫn tới các cuộc biểu tình bạo lực nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ ở Hồng Kông.

Dự luật dẫn độ, áp dụng đối với hơn 7 triệu cư dân Hồng Kông cũng như người nước ngoài và công dân Trung Quốc ở Hồng Kông, bị nhiều người xem là một mối nguy đối với sự độc lập về luật pháp của vùng lãnh thổ.

Vào hôm Chủ nhật tuần trước, hơn 1 triệu người đã xuống đường ở Hồng Kông để phản đối dự luật trên. Vào giữa tuần, biểu tình quy mô lớn tiếp tục diễn ra, buộc cảnh sát phải sử dụng đạn hơi cay, đạn cao su và dùi cui để trấn áp. Biểu tình rầm rộ gây rối loạn các hoạt động ở Hồng Kông, trung tâm tài chính hàng đầu châu Á, đồng thời đặt ra sức ép lớn đối với bà Lam.

"Sau nhiều cân nhắc trong 2 ngày qua, tôi xin công bố chính quyền đã quyết định hoãn dự luật dẫn độ, khởi động lại việc thảo luận về dự luật với tất cả các khu vực trong xã hội, thực hiện công tác giải thích kỹ lưỡng hơn, và lắng nghe các quan điểm khác nhau trong xã hội", bà Lam phát biểu tại một cuộc họp báo.

Đây là lần đầu tiên bà Lam xuất hiện trước công chúng kể từ hôm thứ Tư. Bà cho biết không có thời hạn nào cho việc tái khởi động dự luật, đồng nghĩa với việc dự luật bị hoãn vô thời hạn.

Các đối thủ chính trị của bà Lam - một người thân Trung Quốc đại lục - kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn dự luật. Các nhà tổ chức biểu tình cho biết vẫn sẽ tiến hành một cuộc tuần hành vào ngày Chủ nhật tuần này để kêu gọi bà Lam từ chức.

Việc hoãn dự luật dẫn độ là một trong những bước ngoặt chính trị lớn nhất do sức ép từ công chúng mà chính quyền Hồng Kông phải đưa ra kể từ khi vùng lãnh thổ này được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Động thái này cũng đặt ra câu hỏi về khả năng bà Lam có thể tiếp tục lãnh đạo chính quyền Hồng Kông.

Khi được hỏi liệu bà có từ chức, bà Lam tránh đưa ra câu trả lời trực tiếp, và thay vào đó kêu gọi công chúng "cho chúng tôi thêm một cơ hội nữa". Bà nói bà đã là một công chức suốt nhiều thập kỷ và vẫn có công việc mà bà muốn làm.

Bà Lam nói bà cảm thấy "rất buồn và tiếc rằng những thiếu sót trong công việc của chúng tôi và nhiều yếu tố khác đã gây ra tranh cãi lớn trong xã hội".

Dự luật dẫn độ của Hồng Kông bắt đầu được cân nhắc vào tháng 2 năm nay và bà Lam lúc đầu đặt mục tiêu đưa dự luật được thông qua tại Hội đồng Lập pháp, tức nghị viện Hồng Kông, vào tháng 7.

Trung Quốc tuyên bố "ủng hộ, tôn trọng và thấu hiếu" quyết định của bà Lam về hoãn dự luật dẫn độ.

Trong một tuyên bố được hãng thông tấn Tân Hoa Xã đăng tải, văn phòng về vấn đề Hồng Kông của Chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh "hoàn toàn ủng hộ" những gì bà Lam và chính quyền Hồng Kông làm, đồng thời "lên án mạnh mẽ" bạo lực xảy ra trong các cuộc biểu tình và ủng hộ lực lượng cảnh sát Hồng Kông.

Các chính trị gia ủng hộ dân chủ của Hồng Kông nói rằng việc hoãn dự luật là chưa đủ.

"Bà Carrie Lam đã đánh mất sự toàn bộ sự tín nhiệm của người dân Hồng Kông. Bà ấy phải từ chức", nghị sỹ Claudia Mo phát biểu.

Trước khi gây sự bất bình trong dư luận, dự luật dẫn độ của Hồng Kông đã khiến một số người thuộc tầng lớp siêu giàu của thành phố chuyển tiền ra nước ngoài - hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay.