11:43 11/06/2014

“Bộ Công Thương không muốn điều hành giá xăng dầu”

Song Hà

Hai vị tư lệnh ngành Tài chính và Công Thương trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quản lý giá xăng dầu

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không có bộ nào có quyền tự quyết định giá xăng dầu mà phải là ý kiến liên ngành.<br>
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không có bộ nào có quyền tự quyết định giá xăng dầu mà phải là ý kiến liên ngành.<br>
“Gần 3 năm rồi mà các bộ vẫn chưa ra được nghị định mới thay thế Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu. Đã thế, mới đây Chính phủ lại có quyết định điều chuyển vai trò chủ quản trong quản lý giá xăng dầu từ Bộ Tài chính về Bộ Công Thương, điều này liệu có làm nặng thêm tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Chất vấn trên được đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga (Thái Nguyên) gửi tới hai vị Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 10/6.

"Xin nhận trách nhiệm vì chậm trễ"


Mở đầu cho phần trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong thời gian qua về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, trong đó đề cao tinh thần giá xăng dầu phải theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

Kết quả là đến nay, hầu hết mọi dân, doanh nghiệp người đều quen với câu chuyện giá xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, cùng với các quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu vừa qua cũng đã được thực hiện rất thường xuyên, tránh được tác động đến lạm phát, đến kinh tế vĩ mô. Cùng với đó, việc tạo dựng quỹ bình ổn giá, đóng vai trò như một cái van, điều tiết, tránh được các cú sốc cho nền kinh tế. Cái van "lợi nhuận định mức" cũng được sử dụng triệt để.

Tuy nhiên, thực tế việc triển thực hiện Nghị định 84 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Do đó, việc cho ra đời một nghị định mới thay thế nghị định 84 là rất cần thiết. Hiện Thủ tướng đã chủ trì họp về nội dung này và cũng đã có kết luận chỉ đạo.

Do đó, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian rất ngắn thôi, nghị định thay thế Nghị định 84 sẽ được ban hành, trong đó cơ quan này đề xuất nhiều quy định đột phá, mang tính mạnh mẽ hơn như: rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở, thay vì 30 ngày thì nay chỉ 15 ngày, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá từ 15 ngày nay đề xuất chỉ 10 ngày, trao cho doanh nghiệp quyền định gía trên cơ sở nhà nước hướng dẫn…

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc xây dựng một nghị định mới thay thế nghị định 84 là cần thiết, nhưng vì nghị định mới có khá nhiều nội dung mới, lại kỳ vọng nhiều mục tiêu nên phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hoàng "với tư cách được Chính phủ giao làm đầu mối soạn thảo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về sự chậm trễ này. Và cũng xin hứa trước Quốc hội, sau khi Thủ tướng xem xét tờ trình gần nhất, chúng tôi sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất để có thể ban hành nghị định thay thế Nghị định 84”.

"Không muốn ôm giá xăng dầu"

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga về việc tại sao chuyển việc điều hành giá thường xuyên từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là chuyện bình thường vì “Luật Giá quy định như thế - Bộ Tài chính quản lý giá, hướng dẫn thanh kiểm tra, còn các bộ quản lý ngành sẽ điều hành giá cụ thể theo phân công của Chính phủ”.

Song, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính vẫn tham gia, song hành với Bộ Công Thương thay vì chủ trì như trước và đây cũng là nhằm đảm bảo tính minh bạch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, cho hay bản thân Bộ này cũng không muốn việc điều chỉnh này mà vẫn muốn để Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì công tác điều hành giá xăng dầu, còn Bộ Công Thương phối hợp.

Ông nói, thật ra Bộ Tài chính hiện cũng không phải là cơ quan quyết định giá xăng dầu mà chỉ là tổ trưởng tổ liên ngành điều hành giá xăng dầu. Có nghĩa là nếu Bộ Công Thương không nhất trí thì Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng cho ý kiến. Do đó, nếu tới đây đổi vai thì cũng vẫn phải theo quy định đó.

"Nếu Chính phủ phân công chúng tôi xin chấp hành và phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính", Bộ trưởng Hoàng nói.

Liên quan đến vấn đề minh bạch giá xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ liên tục yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu phải công khai minh bạch tất cả các khâu liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, không chỉ riêng vấn đề giá. Vừa qua, Bộ cũng đã ban hành văn bản về nội dung công khai minh bạch đối với giá điện và giá xăng dầu. Các doanh nghiệp và Bộ đã công khai trên các trang web của mình.

Dường như chưa thảo mãn với câu trả lời của các bộ trưởng, đại biểu Lê Thị Nga vẫn cho rằng, việc điều chuyển như vậy là khó đảm bảo tính khách quan, minh bạch bởi thực tế hiện nay Bộ Công Thương đang là cơ quan chủ quản trực tiếp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cơ quan quản lý cạnh tranh, cơ quan quản lý thị trường…

“Ai được giao nhiệm vụ và thẩm quyền này có xung đột về trách nhiệm và quyền thì khó có thể đảm bảo khách quan được, nên Chính phủ cần thận trọng trong việc điều chuyển này”, đại biểu khuyến nghị.