14:47 07/12/2018

Bộ Giao thông xin tạm ứng vốn cho dự án metro Bến Thành - Suối Tiên

KIỀU LINH

Trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, Bộ Giao thông kiến nghị Chính phủ chấp thuận tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên

Metro Bến Thành  - Suối Tiên nhìn từ trên cao.
Metro Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao.

Trong báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn cho Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục triển khai dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và đảm bảo việc thanh toán cho nhà thầu.

Dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư khi chưa điều chỉnh là 17.387 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản ngày 15/8/2018 gửi Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo báo cáo xin ý kiến về điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 47.325 tỷ đồng, tương đương với 236.626 triệu Yên. Đây là giá trị được UBND Tp.HCM phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4480 ngày 21/9/2011.

Về cơ chế tài chính, ngày 14/7/2017, UBND Tp.HCM và Bộ Tài chính đã ký hợp đồng về cho vay lại vốn vay của Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho dự án, trong đó quy định "Trị giá cho vay lại là tổng số vốn thực rút theo Hiệp định quy ra JPY để chi cho hạng mục mua sắm thiết bị của dự án theo thông báo rút vốn của JICA".

Tuy nhiên, hiện nay, giá trị vay lại chưa được xác định do chưa thống nhất ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải về giá trị vay lại.

Về công tác giải ngân, từ đầu dự án đến nay đã giải ngân được 14.136/17.197 tỷ đồng theo kế hoạch, đạt 82%. Trong đó, giải ngân năm 2018 là 252/2.042 tỷ đồng theo kế hoạch, thanh toán các gói thầu từ vốn tạm ứng ngân sách thành phố 1.000 tỷ đồng trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Hiệp định vay số 2 ngày 30/3/2012 hết hạn vào ngày 31/10/2018. Do dự án không được ghi vốn kế hoạch vì đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư nên việc giải ngân số vốn còn lại của Hiệp định vay là 8.766 triệu Yên Nhật, chiếm 20% là khó thực hiện.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn cho Thành phố để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu. Đồng thời, kiến nghị giải quyết dứt điểm về hạng mục và giá trị vay lại của dự án. 

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị UBND Tp.HCM khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có văn bản gửi JICA và Đại sứ quán Nhật Bản để đề xuất gia hạn Hiệp định vay.

Liên quan đến việc tăng tổng mức đầu tư của các dự án đường sắt đô thị nói chung và dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, trong một báo cáo mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí.

Nguyên nhân thứ hai là do biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và tăng lương tối thiểu. Thông thường, thời gian thực hiện công tác thiết kế dự án và phê duyệt thiết kế, đấu thầu thi công mất trung bình 2 năm kể từ khi ký Hiệp định vay. Trong thời gian này, sự biến động giá của nguyên, nhiên vật liệu và điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo quy định đã dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân thứ ba là tăng khối lượng xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá hiện nay, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của dự án chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Các dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Tp.HCM, tuyến 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương đều chịu ảnh hưởng lớn từ nguyên nhân này.