17:10 09/03/2018

Bộ Giao thông xử lý thế nào với BOT cải tạo, nâng cấp?

KIỀU LINH

Đối với dự án BOT cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ đã hoàn thiện, Bộ Giao thông Vận tải vẫn chưa có quyết định tiếp tục thu phí hay dừng lại

Chủ đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn doạ dừng thi công.
Chủ đầu tư dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn doạ dừng thi công.

Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 quy định: "Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện nay".

Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, nhiều dự án BOT cải tạo trên tuyến đường cũ phải tạm dừng lại, tìm phương án đầu tư mới. Trong khi đó, đối với dự án BOT đã hoàn thiện, Bộ Giao thông Vận tải chưa có quyết định tiếp tục thu phí hay dừng lại?

Chủ đầu tư "doạ" dừng thi công nếu...

Tính toán này được chủ đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đưa ra khi mà dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đứng trước nguy cơ vỡ phương án tài chính.

Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là một trong hai đoạn tuyến còn lại của hành lang kinh tế giao thương Việt Nam - Trung Quốc, khởi công từ tháng 10/2015, gồm hai hợp phần tăng cường mặt đường auốc lộ 1 dài 110 km và xây dựng đoạn cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64 km. Hai hợp phần này có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng.

Hiện hợp phần cải tạo quốc lộ 1 đã được đưa vào sử dụng từ hơn 1 năm nay. Còn hợp phần cao tốc sau một thời gian đình hoãn cũng đã được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào tháng 12/2019.

Tuy nhiên, mới đây, lãnh đạo Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn đã "doạ" dừng thi công hạng mục cao tốc vì Bộ Giao thông Vận tải chưa cho phép nhà đầu tư thu phí tại hợp phần dự án trên quốc lộ 1 đã hoàn thành.

Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cho hay: Trước đây, Bộ Giao thông Vận tải từng khẳng định nếu hợp phần cao tốc giải phóng xong mặt bằng, triển khai thi công trên diện rộng, có cam kết vốn cho vay vốn của ngân hàng, chủ đầu tư sẽ được thu phí trên quốc lộ 1A.

"Đến nay, cả ba điều kiện đã được đáp ứng và số tiền bỏ ra cải tạo quốc lộ 1A là 1.300 tỷ đồng. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông cho thu phí từ lâu nhưng bộ chưa trả lời", ông Tự nói và cho biết thêm, sẽ có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển cơ quan đại diện nhà nước có thẩm quyền tại dự án từ Bộ Giao thông vận tải sang UBND tỉnh Lạng Sơn.

Tình trạng "vỡ kế hoạch" thu phí diễn ra tương tự tại BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý cho Dự án BOT Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới được thu phí một trạm trên hợp phần làm đường mới đoạn từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn. Riêng trạm thu cho hợp phần nâng cấp, cải tạo mặt đường quốc lộ 3 cũ (trạm Bờ Đậu) tiếp tục trì hoãn.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải chưa có một quyết định cuối cùng nào về việc có tiếp tục thu phí không hay dừng lại tại các trạm BOT cải tạo, nâng cấp đã hoàn thiện? Nếu tiếp tục thu phí thì trái với Nghị quyết 437 đã ban hành. Còn không thu phí sẽ đẩy các nhà đầu tư vào tình trạng vỡ phương án tài chính. 

Chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, các dự án giao thông này ngay từ đầu đã không thực sự cần thiết, lợi ích về kinh tế xã hội mang lại rất thấp nên bị chủ phương tiện phản đối.

Trong kinh tế, việc đầu tư sai lầm vẫn có thể xảy ra, và người nào ra quyết định đầu tư thì người đó phải chịu trách nhiệm. Ở đây, hợp đồng BOT nào được ký giữa Nhà nước và chủ đầu tư, mà không tham vấn ý kiến người dân, nên Nhà nước và chủ đầu tư phải cùng nhau chịu trách nhiệm, chứ không thể bắt người dân phải gánh chịu.

"Cách tốt nhất là Nhà nước và chủ đầu tư nên thừa nhận điều này, và ngồi lại với nhau để phân chia tổn thất do đã đầu tư sai lầm", ông Đức nói.

Trả lời câu hỏi, như vậy liệu rằng có ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư sau này không? Ông Đức khẳng định, chỉ những dự án nào không mang lại lợi ích cho chủ phương tiện mới bị phản đối, còn những dự án mang lại lợi ích cho chủ phương tiện thì người dân vẫn vui vẻ chấp nhận nộp tiền.

Do đó, trước đó, VCCI đã đề xuất phương án thu phí BOT dựa vào chi phí vận tải tiết kiệm được, chính là lợi ích của chủ phương tiện. Giải pháp này không những bảo đảm sự đồng thuận của người dân, mà còn thu hút các chủ đầu tư vào những dự án mang lại lợi ích kinh tế xã hội cao.

Buộc dừng nhiều dự án BOT cải tạo, nâng cấp

Mặc dù vậy, thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã kịp thời dừng nhiều dự án BOT cải tạo, nâng cấp trên các tuyến đường độc đạo, hiện hữu.

Cụ thể, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31, đoạn Tp.Bắc Giang - Chũ theo hình thức BOT. Đề xuất dừng dự án BOT Quốc lộ 53 Vĩnh Long - Trà Vinh; dừng dự án BOT Quốc lộ 30.

Lý do khiến Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng là do đây là những tuyến đường độc đạo, hiện hữu nếu triển khai theo hình thức BOT, hoàn vốn đầu tư thông qua thu phí (vé) sử dụng đường bộ sẽ không có lựa chọn khác cho người dân. Việc dừng này là đúng với tinh thần Nghị quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ quốc hội.

Đối với những dự án tạm dừng triển khai bằng hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển sang hướng đầu tư mới. Cụ thể, đối với dự án BOT quốc lộ 53 và BOT quốc lộ 31, Bộ Giao thông chuyển sang đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Dự án BOT Quốc lộ 30 dừng lại và nghiên cứu đầu tư BOT tuyến đường mới song song An Hữu - Cao Lãnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, việc dừng các dự án BOT chuyển sang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi khi mà vốn ngân sách cho đầu tư công rất hạn chế. Nhu cầu vốn đầu tư của ngành giao thông vận tải trong giai đoạn 2016-2020 cần khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến chỉ cân đối được khoảng 11%.