07:37 31/07/2018

Bộ Giao thông yêu cầu làm rõ thông tin về đào tạo phi công ở Vietnam Airlines

KIỀU LINH

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo một số vấn đề liên quan đến phi công của hãng này

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo một số vấn đề liên quan đến phi công của hãng này.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo một số vấn đề liên quan đến phi công của hãng này.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 8109/BGTVT-VP ngày 25/7 gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, yêu cầu báo cáo giải trình về ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về những vấn đề liên quan đến việc đào tạo phi công của doanh nghiệp này.

Công văn nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã nhận được ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về một số nội dung liên quan đến hoạt động của Vietnam Airlines như: Chất lượng đầu vào của ứng viên phi công; tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công.

Vietnam Airlines khẩn trương rà soát, có báo cáo giải trình về các nội dung mà đại biểu Quốc hội nêu. Lưu ý bám sát câu hỏi và trả lời thẳng thắn vào nội dung vấn đề, làm rõ việc có hay không có tình trạng như ý kiến của đại biểu nêu, giải pháp chấn chỉnh.

Nội dung giải trình, phục vụ trả lời đại biểu Quốc hội yêu cầu gửi về Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 31/7/2018.

Trước đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã tiếp xúc với một số phi công trong đó có cả người nhà của ông Cương của Vietnam Airlines và nhận thấy một số vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Theo ông Cương, từ năm 2013, Vietnam Airlines thực hiện chính sách xã hội hoá đào tạo phi công. Tuy nhiên, việc này dẫn đến nhiều bất cập, cùng với những chính sách khi nghỉ việc khiến phi công bức xúc.

Ông Cương cho rằng trước đây, phi công học ở Pháp, Úc, việc tuyển chọn đầu vào rất khắt khe, từ sức khoẻ, kiến thức đến kỹ năng bay. Tuy nhiên, kể từ khi xã hội hoá, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức, gần như bất kỳ đối tượng nào đủ tiền đóng học (của 1 danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) là có thể đi học. 

Đa số các trường dạy bay là các trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Có một số trường học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay.

Sau khi học các trường này về, học viên được phỏng vấn, kiểm tra kiến thức để chuyển loại máy bay Airbus A321 - bay Simulator (buồng lái mô phỏng). Đây là loại máy bay rất khó để theo học vì đòi hỏi thời gian cũng như trình độ khá trở lên.

Ở các nước phương tây, để được học loại máy bay này họ đòi hỏi rất cao. Ví dụ phải có tối thiểu khoảng 1.000 giờ bay (tuỳ hãng). Vì vậy, thường xuyên các học viên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra.

Những tồn tại khiến cho chất lượng phi công giảm sút rất nhiều. Trong khi đó, người giỏi muốn "nhảy việc" cũng không dễ vì "vướng" phải thông tư từ Bộ Giao thông Vận tải.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, nếu theo quy định của Bộ luật lao động, thì người lao động có quyền nghỉ việc và báo trước 45 ngày. Tuy nhiên, tại Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 về việc chấp dứt lao động có ghi: "Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng...".

Tuy nhiên, quy định nói trên đã bãi bỏ theo Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (điều 2). Như vậy, việc giữ lại 120 ngày của Vietnam Airlines và Cục hàng không Việt Nam không cấp bằng cho phi công vì chưa chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn yêu cầu thực hiện bồi hoàn 2 nội dung: Chi phí đào tạo và chi phí phá vỡ hợp đồng. Mức bồi hoàn tuỳ thuộc vào các trường hợp cụ thể. Như vậy, phi công phải chịu 120 ngày báo trước và chi phí phá vỡ hợp đồng là chưa hợp lý.

"Thiết nghĩ, nghề phi công là một nghề đặc biệt nên cần có quy định sao cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt ra các quy định trái với Bộ luật Lao động cần được xem xét lại. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho ý kiến giải quyết", ông Cương kiến nghị.