15:14 04/04/2018

Bộ Nông nghiệp: Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá tra là phi lý

KIỀU LINH

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức đưa ra quan điểm sau khi Mỹ phán quyết tăng thuế lên cá tra Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức đưa ra quan điểm sau khi Mỹ phán quyết tăng thuế lên cá tra Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức đưa ra quan điểm sau khi Mỹ phán quyết tăng thuế lên cá tra Việt Nam.

Tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 3/4, đại diện Tổng cục Thủy sản đã phản hồi thắc mắc của báo giới về việc cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp thuế chống bán phá đối với cá tra Việt Nam, các cơ quan đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. DOC bỏ qua các quy định thông thường và điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi đưa ra kết luận áp thuế chống bán phá giá.

"Điều này thể hiện sự không công bằng, áp đặt vô lý và trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói.

Bày tỏ quan điểm về việc này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, trong tháng 3 vừa qua, Mỹ không chỉ áp thuế chống bán phá cá tra mà cả tôm. Hai sự việc diễn ra cách nhau có mấy ngày.

"Phán quyết này là đợt rà soát hành chính lần thứ 12, và 13 của Mỹ, đây là phán quyết đơn phương, phán quyết phi lý, bất công, không phù hợp với WTO", Thứ trưởng Tuấn nói và cho biết thêm, Việt Nam cần nghiêm túc xem xét khiếu kiện lên tòa án quốc tế và kiên trì trao đổi đấu tranh thương mại với Mỹ trên khuôn khổ WTO và trên khuôn khổ thương mại có lợi để phía Mỹ thấy rõ hiện nay ở Việt Nam không có ai bảo trợ giúp doanh nghiệp bán phá giá.

Đồng thời, Việt Nam cũng thúc đẩy phía Mỹ sớm sang Việt Nam rà soát thực tế ở Việt Nam để áp dụng giải pháp công nhận tiêu chuẩn tương tự.

Đối với thị trường EU, Thứ trưởng Tuấn cho biết, hiện nay, Bộ đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy suất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp "thẻ vàng" của EU.

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đợt xem xét hành chính lần thứ 13.

Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam sang Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm từ 22,3% năm 2016 xuống còn 19% trong năm 2017. Dự báo sẽ tiếp tục bị suy giảm trong thời gian tới do tác động cộng hưởng của các bất lợi xảy ra trong cùng thời điểm hiện nay là: Thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ.

Tháng 1/2018, thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chiếm 6,8% về lượng và 6% về trị giá nhập khẩu thủy sản của Mỹ. 

Với kết quả này, Việt Nam đã giảm bốn bậc từ thứ 3 xuống thứ 7 trong nhóm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Mỹ. Nguyên nhân chính là do lượng cá tra và tôm xuất khẩu tới thị trường này giảm. Trong khi Ấn Độ, Chile, Indonesia là những thị trường vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong tháng 1/2018.

Ngoài ra, việc cá tra Việt Nam bị cáo buộc và chịu thuế chống bán phá giá cao cũng như chưa được công nhận tương đương sẽ tác động xấu đến thương hiệu, hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này sẽ tạo tiền đề và hiệu ứng khiến các thị trường khác sẽ có những nghi ngại và đặt ra nhiều rào cản thương mại khi nhập khẩu cá tra của Việt Nam.

Một tác động xấu nữa đến tâm lý và làm thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khi không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường Mỹ thì sẽ chuyển hướng sang các thị trường dễ tính hơn, công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trình độ tay nghề công nhân giảm sút khi chế biến các sản phẩm đơn giản cho các thị trường có giá xuất khẩu thấp hơn, chỉ quan tâm đến tăng sản lượng để bù lại giá trị gia tăng mang lại không nhiều…