13:37 23/04/2024

Bổ sung chính sách tăng khả năng hấp thụ vốn cho khu vực kinh tế tập thể

Kỳ Phong

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 2/2024, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng đối với khoảng 1.200 đối tượng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023...

Khu  vực  kinh  tế  tập  thể  có  thể  được  vay  không  tài  sản  bảo  đảm  lên  tới  3 tỷ  đồng.
Khu vực kinh tế tập thể có thể được vay không tài sản bảo đảm lên tới 3 tỷ đồng.

Ngày 23/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại trụ sở Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số lượng đại biểu tham sự hơn 2.400 đại biểu.

VÌ SAO HỢP TÁC XÃ HẤP THỤ TÍN DỤNG THẤP?

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; Phân tích khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; Đề xuất các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể trên cả nước.

Hội thảo chỉ ra 6 nguyên nhân khiến các hợp tác xã khó tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Thứ nhất, hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch tài chính, làm ăn kém hiệu quả, quản trị yếu. Ngoài ra, do dịch bệnh và khó khăn của nền kinh tế, cùng với áp lực biến động giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu đầu vào nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, kết quả kinh doanh của Hợp tác xã, dẫn đến nhu cầu vay vốn tín dụng của hợp tác xã giảm.

Thứ hai, năng lực nội tại của nhóm chủ thể này còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Phần lớn hợp tác xã, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu; vấn đề nợ của hợp tác xã, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm.

Thứ ba, hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, số lượng hợp tác xã tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong hợp tác xã có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của hợp tác xã còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong hợp tác xã. Vấn đề thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong hoạt động của hợp tác xã còn nhiều hạn chế. 

 

Dư nợ tín dụng đối với cá nhân, hộ gia đình, trong đó có các cá nhân thành viên hợp tác xã, đến cuối tháng 12/2023 đạt 6,4 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46,7% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó dư nợ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực nông nghiệp, nông thôn là 2,24 triệu tỷ đồng...

Ngân  hàng  Nhà  nước.

Thứ tư, các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều hợp tác xã chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất.

Thứ năm, theo phản ánh của tổ chức tín dụng, vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế hợp tác cùng là khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định trách nhiệm, nghĩa vụ nợ cho vay đối với loại hình kinh tế tập thể.

Thứ sáu, sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước

BỔ SUNG CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI CHO KHU  VỰC  KINH  TẾ  TẬP  THỂ

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành nghị định riêng về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện đang thực hiện theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo đó, tổ hợp tác có thể được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 300 triệu đồng; hợp tác xã tối đa 1 tỷ đồng. Tối đa 02 tỷ đồng đối với Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vay tới 2 tỷ không cần tài sản bảo đảm. Liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ được vay tối đa 3 tỷ không cần tài sản bảo đảm.

 

Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi giá trị tối đa từ 70% đến 80% giá trị của dự án vay vốn liên kết. Cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là thành viên hợp tác xã được vay không tài sản bảo đảm từ 100 đến 500 triệu đồng tùy mục đích sản xuất kinh doanh.  

Nhóm chính sách ưu đãi lãi suất: Hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác được hưởng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn lĩnh vực sản xuất thông thường từ 1%-1,5% (hiện đang áp dụng 4.0%/năm) khi hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên; được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng khi khách hàng mua bảo hiểm trong nông nghiệp.

Nhóm chính sách về cơ chế xử lý nợ đặc thù trong trường hợp khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai dịch bệnh trên phạm vi rộng (cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ).

Cùng với những chính sách hỗ trợ trên, các chuyên gia nhấn mạnh cần có nhiều giải pháp hỗ trợ từ nhiều phía đối với hợp tác xã kể cả cơ chế, chính sách hỗ trợ, các quy định hướng dẫn để thực hiện Luật Hợp tác xã có hiệu lực từ 1/7/2024, các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước như Quỹ phát triển Hợp tác xã, các chính sách về công nghệ, phát triển thị trường trong, ngoài nước. Bên cạnh đó sự nỗ lực của bản thân từng hợp tác xã, của từng thành viên để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.