Bổ sung quy định mới về trạm dừng nghỉ, bắt buộc đầu tư hệ thống sạc cho xe điện
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực kể từ ngày 5/10 tới đây, một số trạm dừng nghỉ quy mô lớn phải bố trí 10% tổng vị trí đỗ xe cho xe ô tô vào sạc điện, đồng thời đầu tư hạ tầng lắp đặt trụ sạc. Cùng với đó, trên 3% diện tích trạm dừng nghỉ được dành xây dựng khu vệ sinh...
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 09/2024/TT-BGTVT sửa đổi QCVN:2012/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 5/10/2024.
Các trạm dừng nghỉ đã được công bố đưa vào khai thác trước ngày thông tư này có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp các hạng mục công trình bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của quy chuẩn này trước ngày 1/1/2027.
Quy chuẩn nêu rõ trạm dừng nghỉ đường bộ là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, được xây dựng trên tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ hoặc đường tỉnh để cung cấp các dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống trạm dừng nghỉ phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Theo quy chuẩn mới, trạm dừng nghỉ đường bộ chia làm 4 loại, tương ứng với diện tích tối thiểu mặt bằng trạm dừng nghỉ là 10.000 m2, 5.000 m2, 3.000 m2 và 1.000 m2.
Các hạng mục công trình bắt buộc phải có tại trạm dừng nghỉ là khu vực đỗ xe quy định diện tích tối thiểu dành cho khu đỗ xe chiếm 50% diện tích tối thiểu của trạm. Các trạm dừng nghỉ này phải có khu kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; trạm cấp nhiên liệu; khu vệ sinh, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, phòng trực cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông…
Diện tích tối thiểu cho một vị trí đỗ của xe ô tô khách, xe ô tô tải là 40 m2 và cho xe ô tô con là 25 m2, có vạch sơn để phân định rõ từng vị trí đỗ xe. Đồng thời, có vị trí đỗ xe riêng cho người khuyết tật với diện tích tối thiểu 25 m2 theo QCVN 07:2010/BXD.
Đường lưu thông trong trạm dừng nghỉ phải có các biển báo hiệu, vạch kẻ đường; có bán kính quay xe phù hợp nhưng bán kính tối thiểu không nhỏ hơn 10 m tính theo tim đường, được quy định tại QCVN 07:2010/BXD để đảm bảo cho các loại phương tiện lưu thông an toàn trong khu vực trạm dừng nghỉ.
Đáng chú ý, Thông tư 09/2024 bổ sung một số điểm mới như yêu cầu bổ sung khu vực lắp đặt trụ sạc điện, thiết bị sạc điện; trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng...
Đồng thời, diện tích khu vệ sinh tại quy chuẩn mới có diện tích ≥ 3% tổng diện tích xây dựng, tỷ lệ này cao hơn quy chuẩn hiện hành và diện tích thực tế tại các trạm đã đi vào vận hành chỉ là trên 1%.
Ngoài ra, Thông tư 09 cũng sửa đổi quy định về điểm đấu nối của đường ra vào trạm dừng nghỉ với đường bộ phải được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-GP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo quy hoạch, trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có 36 trạm dừng nghỉ. Trong đó, có 9 trạm đã đưa vào khai thác và đang đầu tư xây dựng, 1 trạm do địa phương quản lý khi triển khai cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, 2 trạm do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý đang được đầu tư và 24 trạm do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Thông tin về tiến độ triển khai 24 trạm trên các tuyến cao tốc do Bộ Giao thông vận tải quản lý, lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam, cho biết các ban quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn lập hồ sơ của 21 trạm, gồm 10 trạm dừng nghỉ thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 và 11 trạm thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Còn lại 3 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, dự án hầm Đèo Cả và đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đang thống nhất vị trí và hoàn thiện hồ sơ để bổ sung thực hiện.
Thời gian qua, nhiều tuyến cao tốc được đưa vào sử dụng nhưng chưa có trạm dừng nghỉ gây nhiều bức xúc cho người dân. Do đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phát hành hồ sơ mời thầu mời gọi nhà đầu tư xây dựng 8 cặp trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam vào tháng 3/2024, mở thầu vào ngày 20/5 tới đây và dự kiến, lựa chọn xong nhà đầu tư vào tháng 6/2024.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các ban quản lý dự án làm việc với các địa phương đẩy nhanh tiến độ để có thể bàn giao mặt bằng ngay trong tháng 6/2024 hoặc bàn giao từng phần để nhà đầu tư thi công trước các công trình công cộng thiết yếu.
Để triển khai thi công 8 trạm này, 5/8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây dự kiến mặt bằng sẽ bàn giao cho nhà đầu tư theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Còn mặt bằng trạm trên cao tốc: Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ bàn giao vào tháng 8/2024, như vậy, chậm 2 tháng so với dự kiến.