Bổ sung thêm đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần
Ngoài các trường hợp giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định hiện hành, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung thêm đối tượng, gồm người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người khuyết tật đặc biệt nặng cũng được hưởng chính sách này...
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục giữ hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần.
PHƯƠNG ÁN 1 CÓ NHIỀU ƯU ĐIỂM HƠN
Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm.
Nhóm 1 tiếp tục được áp dụng hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Khác với quy định hiện hành, dự thảo Luật có quy định quyền lợi bổ sung nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Nhóm 2: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định này.
Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Hai phương án nêu trên áp dụng cho những người lao động bình thường. Với những trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư, hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, lao nặng, AIDS, thì vẫn được rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đặc biệt, tại dự thảo mới nhất còn bổ sung thêm đối tượng được rút bảo hiểm xã hội một lần, là người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và người khuyết tật đặc biệt nặng.
Báo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết qua thảo luận và ý kiến của các cơ quan tham gia trong quá trình chỉnh lý, góp ý dự thảo Luật, đa số cho rằng Phương án 1 có ưu điểm hơn.
Phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến khoảng 18 triệu người đang tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, hạn chế được tình trạng một người tham gia bảo hiểm xã hội có nhiều lần hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Trong giai đoạn 2016 – 2022, đã có gần 25% số lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần đã rút từ 2 lần trở lên.
Về lâu dài, nếu quy định theo Phương án 1 sẽ góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội từ chính quá trình tích lũy, thông qua tham gia bảo hiểm xã hội của mình, và giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.
CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ GIỮ NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở LẠI HỆ THỐNG
Mặc dù vậy, có ý kiến đồng tình với Phương án 2 với lý do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước, và sau khi Luật này có hiệu lực.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, với việc quy định người lao động chỉ được giải quyết một phần thời gian đóng, nên người lao động có tâm lý bị giảm, hạn chế quyền lợi.
Điều này có thể dẫn đến phản ứng tập thể của người lao động, và có thể gia tăng đột biến số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trước khi Luật này có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thiết kế phương án có lộ trình phù hợp, hoặc một phương án có nhiều phương thức để người lao động lựa chọn, hoặc điều chỉnh tỷ lệ hưởng, hoặc có thể tích hợp Phương án 2 vào nhóm 2 của Phương án 1.
Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ sau ngày 1/7/2025, thì vẫn cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo lộ trình giảm dần, và chấm dứt vào năm 2030.
Khi đó, theo dự báo và mục tiêu phấn đấu nước ta trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao, cơ cấu kinh tế, lao động đã có bước phát triển cao hơn, đời sống người lao động cũng ổn định hơn.
Vì thế, cần quy định có tính chất lộ trình để người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2030 trở đi, thì không được rút bảo hiểm xã hội một lần với các điều kiện như ở nhóm 1 nêu trên.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài.
Đa số ý kiến ủng hộ Phương án 1, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục giải trình để làm rõ hơn ưu điểm, nhược điểm của 2 phương án Chính phủ trình, nhất là dự báo tác động tới một bộ phận người lao động, và dự liệu khả năng phát sinh vấn đề về xã hội, kinh tế, phòng ngừa khả năng xảy ra các phản ứng tập thể từ phía người lao động.
Đối với Phương án 1, cần xác định rõ hơn về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần gắn với nỗ lực tìm kiếm việc làm của người lao động, và kết quả giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời, nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn, theo hướng có thể giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Chính phủ cần sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án tổng thể về hỗ trợ người lao động gặp khó khăn phát sinh do thất nghiệp, mất việc làm, bệnh tật..., thông qua các chính sách tín dụng xã hội, hỗ trợ tạo việc làm và các chính sách khác để hỗ trợ đời sống nhằm giúp người lao động có thể vượt qua khó khăn...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nhằm bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và bảo đảm thận trọng, trách nhiệm trong xử lý vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi và đang “trở thành thói quen” mặc nhiên của khá nhiều người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.