Bộ Tài chính cắt giảm điều kiện kinh doanh: Một số đề xuất là “không cắt giảm”
Nhiều đề xuất của Bộ Tài chính được cho là chưa rõ ràng, một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ Tài chính về bản chất là không cắt giảm, chưa triệt để và không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể.
Một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm!
Như VnEconomy đã đưa tin, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.
Theo đó, đơn vị này đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa 94 điều kiện kinh doanh trong 7 lĩnh vực, bao gồm bảo hiểm, chứng khoán, giá, hải quan, kiểm toán, tài chính ngân hàng, thuế.
Đóng góp ý kiến về đề xuất này, VCCI cho biết, việc đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa 193 điều kiện kinh doanh, chiếm tỷ lệ 52,2% được xem là con số ấn tượng, phản ánh tinh thần cầu thị, cải cách từ phía Bộ Tài chính.
Về cơ bản, VCCI đánh giá các phương án mà Bộ Tài chính đề xuất đã nhận diện chính xác các điều kiện kinh doanh và ở một số điều kiện kinh doanh đã đưa ra đề xuất cắt giảm, bãi bỏ hợp lý.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, VCCI cho rằng vẫn còn nhiều đề xuất chưa được rõ ràng, một số đề xuất về bản chất là không cắt giảm.
"Ví dụ trong lĩnh vực giá, phần lớn các điều kiện kinh doanh đều được giữ lại, các phương án đề xuất chủ yếu là thiết kế lại hình thức quy định về điều kiện kinh doanh", VCCI nhấn mạnh.
Cùng với đó, một số đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa triệt để, chẳng hạn, đối với các điều kiện về nhân lực, Bộ mới chỉ đề xuất giảm số năm kinh nghiệm điều kiện mà chưa xem xét có cần thiết phải bỏ hoàn toàn yêu cầu về điều kiện không.
VCCI cũng đánh giá, một số đề xuất không tạo ra thay đổi thực chất nào đáng kể, ví như một số trường hợp được đề xuất cắt giảm dựa trên những lý do hình thức và về bản chất thì vẫn giữ nguyên điều kiện kinh doanh.
"Như trong lĩnh vực giá, đề xuất cắt giảm bởi việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đã được quy định cụ thể tại Điều 39 Luật giá. Như vậy thì điều kiện này vẫn được giữ quy định trong Luật.
Hay, điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong công ty quản lý quỹ, Bộ Tài chính đề xuất giảm số năm kinh nghiệm của bộ phận nghiệp vụ từ 5 năm xuống còn 4 năm", VCCI nhận định.
Đơn vị này cũng chỉ rõ, vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp nhưng chưa được đưa vào phương án cắt giảm. Các phương án mới chỉ đánh giá các điều kiện kinh doanh cụ thể mà chưa đánh giá về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Việc chỉ xem xét các điều kiện kinh doanh cụ thể khiến cho đề xuất không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về sự cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh của một số loại ngành nghề kinh doanh.
"Nói cách khác, đề xuất chưa xem xét việc, liệu trong lĩnh vực tài chính có những ngành nghề kinh doanh nào hiện đang được coi là ngành nghề có điều kiện trong khi thực chất không ảnh hưởng đáng kể tới các lợi ích công cộng, và do đó không cần phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh?
Cần đánh giá việc xác định một ngành, nghề là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý không, qua đó kiến nghị sửa đổi Luật đầu tư, đồng thời bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh trong ngành, nghề này", VCCI đưa ra ý kiến.
Đề xuất xóa bỏ thêm nhiều điều kiện kinh doanh
Bên cạnh việc đưa ra những nhận định chung, VCCI cũng đóng góp ý kiến cụ thể trong từng lĩnh vực.
Về lĩnh vực giá, VCCI cho biết, về cơ bản, phần lớn các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá chưa được xem xét để bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ được đề xuất sắp xếp, thiết kế lại quy định.
Cụ thể, với điều kiện về số lượng thẩm định viên về giá, quy định hiện tại yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.
Nhưng VCCI cho rằng, điều kiện này cần được đánh giá lại ở các góc độ như, không rõ về căn cứ để yêu cầu số lượng tối thiểu thẩm định viên giá này như thế nào? Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 thẩm định viên về giá thì lợi ích công cộng nào sẽ bị ảnh hưởng? Nói cách khác, số lượng thẩm định viên về giá này có gắn liền với quy trình kiểm soát để đảm bảo hoạt động thẩm định giá an toàn, chính xác không?
"Với thị trường chuyển dịch lao động như hiện nay thì doanh nghiệp không nhất thiết phải có cố định số lượng thẩm định viên về giá mà có thể thuê các thẩm định viên về giá có thẻ hành nghề. Từ đó, đề nghị cân nhắc bỏ số lượng tối thiểu thẩm định viên về giá trong doanh nghiệp thẩm định giá", VCCI nêu rõ.
Đối với điều kiện về hạn chế số vốn góp của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá, theo quy định hiện tại, đối với doanh nghiệp thẩm định giá được tổ chức theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thì tổ chức được góp vốn tối đa 35% vốn điều lệ, trường hợp có nhiều tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của tổ chức tối đa bằng 35% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc hạn chế số vốn góp của tổ chức dường như chưa hợp lý, không rõ mục tiêu, bởi nếu lo ngại về tính khách quan của doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng thì pháp luật về giá đã có quy định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thẩm định giá, vì vậy không cần thiết phải chặn ở điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá.
Từ đó, đơn vị này đề nghị bỏ giới hạn về mức vốn của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá.
Với lĩnh vực hải quan, VCCI đánh giá Bộ Tài chính không rà soát về sự cần thiết của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện hiện tại, vì vậy đại lý làm thủ tục hải quan" vẫn tiếp tục được xem là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
"Trong khi đó, phân tích cho thấy, hoạt động cung cấp dịch vụ này hầu như không tác động tới các lợi ích công cộng đến mức buộc phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh, nên đề nghị bỏ tất cả các điều kiện kinh doanh của đại lý làm thủ tục hải quan và xác định đây là một ngành, nghề kinh doanh thông thường", VCCI nêu quan điểm.
Trong lĩnh vực lĩnh vực kế toán, kiểm toán, VCCI đề xuất đưa kế toán ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đồng nghĩa với việc bãi bỏ toàn bộ điều kiện kinh doanh của dịch vụ kế toán.
Đồng thời, bỏ điều kiện "Doanh nghiệp kế toán không được thành lập theo hình thức công ty cổ phần" và bỏ điều kiện "hạn chế tỷ lệ góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên ở mức không quá tối đa 35%".
Bỏ điều kiện "Bảo đảm tỷ lệ vốn góp của kế toán viên hành nghề trong doanh nghiệp" và "Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ kế toán phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn Điều lệ của công ty"
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ, VCCI đề nghị Bộ Tài chính bỏ điều kiện mức vốn điều lệ thực có đối với ngành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 2 tỷ đồng. Bỏ các điều kiện về trình độ của người quản lý, giám đốc chi nhánh, người lao động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đặc biệt, đơn vị này cho rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cần phải quản lý theo ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, chứ không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện về tài chính. Cho nên cần bỏ toàn bộ các điều kiện kinh doanh đang thiết kế tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP đối với dịch vụ này và áp dụng quy định điều kiện tại Nghị định 96 về an ninh trật tự.