15:42 08/08/2018

Bỏ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Cần thêm ý kiến nhân dân

Nguyễn Lê

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận

Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 8/8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh trong dự thảo luật, trong đó có thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Luật Giáo dục hiện hành quy định: học sinh học hết chương trình trung học phổ thông, có đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ông Bình cho biết, về vấn đề này có 2 loại ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông là cần thiết để đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh, cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh chính sách giáo dục và là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyển sinh.

Kỳ thi này còn có ý nghĩa cung cấp chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho mục đích liên thông và hội nhập hệ thống giáo dục quốc tế. Việc tổ chức thi do Chính phủ quyết định phù hợp với yêu cầu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, ông Bình báo cáo.

Ý kiến thứ hai đề xuất không tổ chức thi mà nên xét và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với mục tiêu, tính chất của cấp học này; tương thích với xu hướng đổi mới đánh giá theo quá trình; giảm áp lực, tốn kém do thi cử mang lại. Điều chỉnh này cũng tạo điều kiện tốt hơn đối với các trường hợp người học theo học trình độ trung cấp ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, có tích lũy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định được học lên các trình độ cao hơn.

Thường trực Ủy ban thẩm tra dự án luật ủng hộ ý kiến thứ nhất.

Nhấn mạnh kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học đang để lại nhiều dư âm đang phải xử lý, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều đối tượng, rất cần thận trọng.

Bỏ hay giữ kỳ thi này, theo ông Phúc thì cần xin ý kiến thêm của cử tri, của chuyên gia, cần thêm thời gian để quyết định cho chín. Cho rằng nếu chốt vấn đề này tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2018) thì chưa chín lắm, ông Phúc đề nghị lùi thêm kỳ họp nữa của Quốc hội, đến kỳ họp thứ bảy mới quyết thì chín hơn và cũng để cử tri thấy Quốc hội thận trọng tìm giải pháp trước tình hình như vừa qua.

Nghiêng về phương án 1, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng từ trước đến nay kỳ thi đại học là kỳ thi được đánh nghiêm túc nhất và yêu cầu là làm sao mang cái nghiêm túc này vào kỳ thi phổ thông.

Ngoài hai phương án được nêu tại báo cáo của cơ quan thẩm tra, bà Hải cho rằng vẫn còn có phương án ba là tổ chức hai kỳ thi, cả tốt nghiệp phổ thông và đại học.

Đồng ý với quan điểm của ông Phúc, bà Hải cho rằng vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi trung học phổ thông cần thận trọng, cần thêm thời gian để lấy ý kiến cử tri.

Học thì phải thi, chỗ nào có vấn đề khi tổ chức thi thì chấn chỉnh để đảm bảo chất lượng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng nhấn mạnh kỳ thi trung học phổ thông là là vấn đề tác động lớn đến xã hội, vì thế nên lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân để có kết quả hợp với lòng dân, như thế nhân dân sẽ đánh giá cao quyết định của Quốc hội.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, trước đây thi hai kỳ cả phổ thông và đại học thì người được đào tạo ra cơ bản tốt cả, mà lúc đó kinh tế đất nước khó khăn hơn nhiều. Bây giờ điều kiện học và thi cái gì cũng hơn cả mà năm nào cũng thay đổi, rồi chỗ này chỗ khác xảy ra tiêu cực, cần tiếp tục đánh giá, tham khảo kinh nghiệm các nước rồi lấy thêm ý kiến để chọn phương án thi cử ổn định chứ thay đổi thường xuyên thì không phải là tốt, ông Lưu nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật, sau đó tổng hợp tiếp tục hoàn thiện và Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp thứ bảy cho chắc chắn. Sau khi xảy ra vụ việc tiêu cực trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì nhân dân rất quan tâm đến dự án luật, bởi đây là vấn đề đụng tới từng nhà, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.