Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính vẫn đảm bảo tính độc lập
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Chứng khoán
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính tôn trọng tính độc lập hoạt động của Ủy ban Chứng khoán, không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Chiều 13/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Một trong những điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này là việc xác lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập không được Chính phủ đặt ra. Điều 9 dự thảo luật vẫn quy định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính.
Nhưng, đây lại là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật rất quan tâm với đa số ý kiến thành viên Uỷ ban cho rằng việc xác lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu dành thời gian bày tỏ chính kiến và phân tích kỹ càng trong phiên thảo luận. Tuy nhiên quan điểm còn rất khác nhau.
Thay mặt Ban soạn thảo phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thống kê có 5 đại biểu đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, 9 đại biểu đồng ý với việc để nguyên Ủy ban này thuộc Bộ Tài chính.
Theo Bộ trưởng, mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính là kế thừa những kết quả đạt được của Luật Chứng khoán năm 2006, Luật Chứng khoán năm 2010, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.
Đồng thời, tại dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) tiếp tục tăng cường vai trò của Ủy ban Chứng khoán nhà nước để đảm bảo tính độc lập trong quản lý giám sát theo thông lệ quốc tế.
Người đứng đầu ngành tài chính đánh giá, từ năm 2004, khi Ủy ban Chứng khoán nhà nước chuyển về Bộ Tài chính ngành chứng khoán đã phát huy được kết quả vượt trội. Về khung pháp lý, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Chứng khoán năm 2006 và năm 2010, 14 nghị định của Chính phủ, 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 78 thông tư để tạo khung khổ pháp lý và tương đối hoàn chỉnh cho thị trường chứng khoán hoạt động và phát triển trong thời gian vừa qua.
Tổ chức và hoạt động của thị trường chứng khoán theo đánh giá của Bộ trưởng, đã từng bước hoàn chỉnh về cấu trúc đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế và thông lệ quốc tế. Cho đến nay đã bao gồm đầy đủ thị trường cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ phái sinh và trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời Chính phủ và Bộ Tài chính đã hỗ trợ xây dựng, hiện đại hóa về cơ sở vật chất, cơ chế tài chính và hạ tầng công nghệ thông tin cho Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán nhằm thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán an toàn và bền vững.
Bộ trưởng cũng cho rằng, có được quy mô như hiện nay, Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành đã hỗ trợ Ủy ban Chứng khoán phát triển thị trường chứng khoán toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Như hỗ trợ đắc lực trong việc gắn cổ phần hóa với niêm yết, giao dịch để tăng cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán, thúc đẩy và tạo cơ chế cho việc huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng chính sách, doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán. Ban hành cơ chế về thuế, phí, giá dịch vụ, chế độ kế toán, kiểm toán để khuyến khích, định hướng hoạt động của thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập trong hoạt động quản lý giám sát thị trường chứng khoán như khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Thông tin tiếp theo Bộ trưởng trình bày là về mô hình tổ chức, Hiệp hội Chứng khoán quốc tế không khuyến nghị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán phải là cơ quan độc lập của Chính phủ. Nếu so sánh với khuyến nghị của Hiệp hội Chứng khoán quốc tế thì tính độc lập và trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán đã được đảm bảo.
Sau khẳng định trên, Bộ trưởng nói cụ thể hơn, rằng theo Luật Chứng khoán hiện hành, Ủy ban Chứng khoán độc lập trong quá trình quản lý, giám sát thị trường chứng khoán. Cụ thể là Ủy ban có quyền quản lý công ty đại chúng và cấp phép phát hành chứng khoán ra công chúng, toàn quyền cấp phép hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Uỷ ban cũng toàn quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, hoàn toàn chủ động trong việc đề xuất các chính sách về chứng khoán để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành, độc lập trong việc ban hành các quy chế quy định quy trình về nghiệp vụ chứng khoán và quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán.
"Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và Bộ Tài chính tôn trọng tính độc lập hoạt động của Ủy ban Chứng khoán, không can thiệp vào hoạt động của Ủy ban Chứng khoán", Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật đã bổ sung thêm 3 quyền rất quan trọng cho Ủy ban Chứng khoán. Đó là quyền được tiếp cận thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động chứng khoán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát thị trường. Quyền chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán, xử lý các biến động, bất thường hoặc sự cố trên thị trường và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình thị trường chứng khoán.
Sự cần thiết duy trì mô hình hiện tại, theo Bộ trưởng còn là hiện nay Việt Nam đang trong quá trình cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Do đó, việc tái cơ cấu doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển đang là nhiệm vụ trọng tâm.
"Theo đó, phát triển thị trường chứng khoán cần phải gắn liền với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ", Bộ trưởng nêu quan điểm.