Bộ trưởng Giáo dục giải thích cách tiêu 12.000 tỷ đào tạo tiến sỹ
Kinh phí sẽ không rót về cơ sở nào cả, mà cấp cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng
Xung quanh chỉ tiêu đào tạo 9.000 tiến sỹ và số kinh phí 12.000 tỷ đồng cho mục tiêu này, bên lề Quốc hội sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc trao đổi thêm với báo giới.
Trước thềm 20/11, Bộ trưởng cũng "hứa" đồng hành với giáo viên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của giáo viên như "lời chúc cao nhất" thay "những lời hoa mỹ".
Không chia tiền
Thưa Bộ trưởng, ông nghĩ thế nào về dư luận không tốt về chất lượng tiến sỹ ở Việt Nam và "chỉ tiêu" nặng tính số lượng đối với học vị này?
Chúng tôi sẽ không giao chỉ tiêu mà Bộ sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách để quản lý chất lượng. Các cơ sở đào tạo, căn cứ vào nhu cầu của mình phải có trách nhiệm (với vấn đề chất lượng – pv). Cách tiếp cận của đề án này là Nhà nước định hướng và hỗ trợ chứ không làm thay. Còn các cơ sở giáo dục, đào tạo và bản thân người đi học phải có trách nhiệm, đảm bảo chất lượng.
Nếu người đi học đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu thì sẽ được nhà nước cấp học bổng, có thể toàn phần, có thể một phần. Như vậy, sẽ mở rộng đối tượng ra, tất cả mọi người đều có thể tham gia, cũng không phân biệt công lập hay tư thục.
Vậy việc thu hút những người sau khi được học bổng đi đào tạo tiến sỹ ở nước ngoài trở về nước làm việc như thế nào, vì nếu sau đào tạo không có ai quay về thì đề án không có tác dụng?
Cái quan trọng là đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng, cử người đi học, chứ không phải cứ đào tạo ồ ạt ra rồi tiến sỹ tự đi tìm việc. Cách tiếp cận bây giờ là đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động. Các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm, chủ động để quy hoạch và phát triển đội ngũ, trong đó có đội ngũ đào tạo.
Căn cứ vào đó thì Bộ hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, chứ không phải đề án là cử đi học, cắt biên chế rồi đào tạo xong không về. Cơ chế quản lý đào tạo tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí không nhất thiết phải dùng hết số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ.
Tôi nhấn mạnh lại quan trọng nhất là chất lượng đào tạo. Trong đề án này, (chúng tôi) rất chú trọng đến đề cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo và người đi học. Còn vai trò của Bộ là đưa ra cơ chế, chính sách và định mức, để làm sao định mức đề ra không quá chênh với định mức của các tổ chức khác và khuyến khích người đi học.
Có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế đào tạo tiến sỹ trong nước thời gian qua có nhiều vấn đề, mà nay lại đặt ra mục tiêu đào tạo nhiều tiến sỹ như vậy, thì liệu có thuyết phục không?
Trước đây thì có thể có cơ sở (đào tạo) như vậy, nhưng giờ khác. Bộ quản lý chặt chẽ bằng quy chế đào tạo tiến sỹ, kiểm tra rất nghiêm minh. Vai trò quản lý nhà nước được đề cao thông qua kiểm định chất lượng và giám sát, đưa ra quy chế với chuẩn từng bước tiếp cận quốc tế. Còn người đi học và cơ sở đào tạo thì phải tiến tới phải có trách nhiệm về chất lượng đào tạo.
Chẳng hạn, vừa rồi, Bộ đã ban hành quy chế là học phải có thời gian tập trung, phải có một bài đăng tạp chí quốc tế… đáp ứng được mới được công nhận. Còn nếu cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được quy chế đó thì không công nhận.
Vậy kinh phí 12.000 tỷ đồng để đào tạo tiến sỹ sẽ được phân bổ thế nào?
Kinh phí sẽ không rót về cơ sở nào cả, mà cấp cho những người trực tiếp đáp ứng được các tiêu chuẩn để được nhận học bổng. Tức là số tiền này là dạng học bổng, ai giành được thì được hưởng để nhà nước ưu đãi đào tạo, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở.
Tăng chuẩn thì lương cũng phải theo
Liên quan đến câu chuyện về tiền lương giáo viên mà Bộ trưởng đã từng trao đổi ở hành lang quốc hội đầu kỳ họp này, Bộ trưởng có chia sẻ gì thêm về tiến độ cải cách vấn đề này?
Đây là vấn đề rất lớn. Hiện nay, Bộ đang rà soát lại chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng, chuẩn cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục. Khi cải tiến chuẩn theo hướng tốt lên thì lương cũng phải đi theo. Tất nhiên, Bộ không quyết định được vấn đề lương giáo viên, thế nên, chúng tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất trong thang, bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt Nghị quyết 29 - giáo viên được hưởng thang, bậc lương cao nhất.
Đồng thời, Bộ cũng đang sửa Luật Giáo dục, để thang, bảng lương đi kèm với trách nhiệm. Khi mà yêu cầu nhà giáo phải cao hơn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, đáp ứng yêu cầu đổi mới ngành giáo dục căn bản, toàn diện thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được.
Đến nay, qua làm việc sơ bộ, các bộ trưởng khác cơ bản cũng thống nhất ủng hộ tinh thần này. Nhưng vấn đề là cụ thể thế nào để làm sao để trách nhiệm phải đi cùng với quyền lợi. Đây là vấn đề không đơn giản nhưng phải làm.
Nhân ngày 20/11, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì tới các thầy cô giáo?
Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi rất muốn gửi lời chia sẻ, thấu cảm với các nhà giáo và (hứa) sẽ cùng đồng hành với đội ngũ giáo viên. Rất nhiều trách nhiệm, vấn đề thách thức của nhà giáo, với tư cách là Bộ trưởng đứng đầu ngành, tôi rất hiểu và sẽ cùng làm, sẽ đại diện cho các thầy cô để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, một mặt cải thiện chất lượng ngành giáo dục tốt hơn, mặt khác để tất cả cùng đồng hành với ngành giáo dục.
Còn nếu chỉ Bộ Giáo dục và yêu cầu các thầy cô phải cố gắng lên, phải đổi mới đi mà điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự không được bảo vệ một cách chính đáng thì cũng không được.
Tôi sẽ cố gắng tốt nhất trong khả năng của mình để tạo ra được môi trường thuận lợi cho các thầy cô và bảo vệ các thầy cô một cách chính đáng. Đây là lời chúc tốt nhất, còn mọi cái chỉ là hoa mỹ.