Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn Quốc hội về tiêu cực của kiểm toán độc lập
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp kiểm toán độc lập bỏ qua sai sót, bao che tiêu cực dẫn dến thất thoát. Nhận diện được những sai phạm của kiểm toán viên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ siết chặt từ khâu đào tạo và tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm...
Nêu vấn đề chất vấn tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng ngày 18/3, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết theo báo cáo, cả nước ta hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập. Thời gian qua, các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán tốt, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và góp phần tạo nên những báo cáo tài chính chất lượng.
Tuy nhiên, có những doanh nghiệp kiểm toán độc lập bỏ qua sai sót với đối tượng kiểm toán, vì lợi ích riêng của kiểm toán viên, bao che tiêu cực dẫn dến thất thoát xảy ra như đại án ngân hàng SCB có đến 3 doanh nghiệp kiểm toán “tầm cỡ” sai phạm. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp để phòng ngừa, răn đe giải quyết tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.
Về công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo, siết chặt từ khâu đào tạo, thi cấp chứng nhận kiểm toán viên thông qua đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật và được tổ chức thi, đào tạo một cách nghiêm túc.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ tỷ lệ đỗ tại các đợt thi kiểm toán viên chưa năm nào vượt 30%, các chuẩn mực, phương pháp kiểm toán được ban hành.
Qua công tác thanh kiểm tra năm vừa qua, Bộ Tài chính nhận diện một số hành vi vi phạm chủ yếu do không làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận khi có thay đổi phải điều chỉnh theo quy định như: tăng giảm thành viên góp vốn, thay đổi về tỷ lệ vốn góp của các thành viên…
Thực hiện kiểm toán khi thuộc một trong các trường hợp không được thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Một số đơn vị bố trí kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán quá 3 năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán; hoặc có số lượng kiểm toán viên ký báo cáo kiểm toán quá ba năm liên tục cho một đơn vị được kiểm toán.
Ngoài ra, có doanh nghiệp nộp báo cáo tổng hợp tình hình duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của các kiểm toán viên đăng ký hành nghề tại đơn vị mình kèm theo báo cáo duy trì điều kiện hành nghề kiểm toán hàng năm của từng kiểm toán viên cho Bộ Tài chính chậm từ 15 ngày trở lên so với thời hạn quy định.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động quản lý hoạt động của các công ty kiểm toán thông qua việc kiểm tra lại một số bộ hồ sơ và xử lý nghiêm các sai phạm.
Cũng theo Bộ trưởng, cả nước hiện có 221 công ty kiểm toán, 2.363 kiểm toán viên, so với các quốc gia, quy mô vẫn hạn chế nên sẽ Bộ Tài chính chú trọng về mặt chất lượng. Nhận diện sai phạm của kiểm toán viên do cả nể, năng lực yếu, Bộ Tài chính sẽ đào tạo và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hoá, trình độ nghiệp vụ.
Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính, đối với một số hành vi vi phạm khác, người hành nghề dịch vụ kiểm toán và đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm toán còn có thể bị xử phạt theo một số chế tài mạnh tay hơn.
Một là, bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kiểm toán với trường hợp kiểm toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định; không còn đủ điều kiện đăng ký hành nghề; có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán…
Hai là, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán trường hợp có hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kiểm toán; bị đình chỉ hành nghề kiểm toán hai lần trong 36 tháng liên tục...
Ba là, bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán trường hợp doanh nghiệp không còn đảm bảo điều kiện của pháp luật về kiểm toán; có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán...
Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính (trực tiếp tại Bộ Tài chính và tại doanh nghiệp kiểm toán) đối với 21 doanh nghiệp kiểm toán và 03 kiểm toán viên hành nghề.
Đồng thời, đình chỉ có thời hạn 17 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng yếu kém, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực và có công văn nhắc nhở 21 kiểm toán viên do hồ sơ kiểm toán có chất lượng chưa đạt yêu cầu.