Bộ trưởng Tư pháp: Nói “lợi ích nhóm” trong xây dựng luật là... hơi mạnh
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp sáng 19/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rất nhiều lo ngại của đại biểu Quốc hội
Đại biểu chất vấn có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho biết lợi ích nhóm rất khó chen chân.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp sáng 19/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rất nhiều lo ngại của đại biểu Quốc hội, những người có trách nhiệm bấm nút quyết định số phận các dự án luật.
Khó chen chân
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong việc xây dựng pháp luật?
Theo Bộ trưởng Lê Thành Long thì dùng từ "lợi ích nhóm" là… hơi mạnh. Nhận định từ ông Long là việc xây dựng luật của bộ, ngành có phần nào thiên vị, dành thuận lợi hơn cho bộ mình, ngành mình. Các biểu hiện cục bộ có thể thấy tại các quy định về việc lập quỹ, thành lập bộ máy, dành nguồn tài chính hay quy định một số điều kiện gia nhập thị trường ở các luật chuyên ngành.
Việc này là không chuẩn so với tư tưởng chỉ đạo chung là không quy định về bộ máy trong các đạo luật chuyên ngành, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với thủ tục và các việc cần làm, Bộ trưởng khẳng định là đã quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng từng nấc, từng tầng. Vì thế, nếu có lợi ích nào đó muốn tranh thủ của các bộ ngành cũng rất khó.
Vấn đề khác khiến đại biểu Tống Thanh Bình băn khoăn là có đến 200 văn bản sai phạm về thẩm quyền, hơn 700 văn bản thiếu căn cứ, sai về thể thức ban hành đã được phát hiện. Ông Bình chất vấn, trách nhiệm trong việc này nằm ở cơ quan nào?
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định: "trước hết phải xác định rõ ràng trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc kiểm soát văn bản".
Song, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giải thích, tầm với cao nhất của Bộ Tư pháp chỉ là với các thông tư do các bộ ban hành. Còn văn bản do Thủ tướng, Chính phủ ban hành, Bộ Tư pháp không có thẩm quyền kiểm soát. Như vậy, những vướng mắc liên quan đến các thông tư, trách nhiệm chính là của vụ pháp chế các Bộ và người đứng đầu các bộ này. Bộ Tư pháp chỉ nhận được những văn bản đề nghị góp ý về nội dung các thông tư mà tính pháp lý của việc góp ý thì không cao.
Điểm lại một số văn bản có vấn đề mà Bộ Tư pháp đã phát hiện và "tuýt còi" , Bộ trưởng nói: "chúng tôi đã làm quyết liệt hơn và có vấn đề thì thảo luận một cách dân chủ, công khai hơn, mời các đơn vị đến dự cũng như báo cáo Thủ tướng".
Chưa thể xây dựng Luật Biểu tình
Bên cạnh băn khoăn về việc nhiều dự án luật phải đưa vào rút ra, một số vị đại biểu sốt ruột khi nhiều dự án luật dang dở trong thời gian dài vừa qua như Luật Về hội, Luật Biểu tình.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Về hội đến nay Bộ Nội vụ đã thực hiện nghiêm vấn đề đánh giá tác động chính sách, trong đó có cả đánh giá về định tính và định lượng.
"Việc đánh giá tác động của luật này khá tốt và với tinh thần này thì luật này sẽ sớm trở lại nghị trường, ông Long hồi âm.
Còn với Luật Biểu tình, theo Bộ trưởng Tư pháp, đến nay vẫn chưa thể xây dựng vì quan điểm làm luật này là làm sao thể hiện được quyền tự do biểu tình trong trật tự của người dân nhưng dự luật đưa ra thời gian trước lại thiên về hướng bảo vệ.
Nêu các giải pháp để khắc phục tình trạng "treo" các luật quan trọng như trên, ông Long cho rằng không cần sửa lại lịch làm luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vì những luật đã chậm, chưa kịp đưa vào thì cũng có trong dự kiến chương trình xây dựng luật pháp lệnh từ trước, trong đó có Luật Về hội. Không phải lo việc này, Bộ trưởng khẳng định.