Bộ trưởng Văn hoá: Xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế
Giơ biển tranh luận, đại biểu nói tiền không mua được đạo đức, Bộ trưởng "báo cáo thêm" xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế nên phải xử lý ở các ngành kinh tế
Giơ biển tranh luận, đại biểu nói tiền không mua được đạo đức, Bộ trưởng "báo cáo thêm" xuống cấp đạo đức xuất phát từ các ngành kinh tế nên phải xử lý ở các ngành kinh tế.
Sáng 30/10 phần chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội không chỉ có đại biểu mà Bộ trưởng cũng tận dụng tác dụng của tấm biển tranh luận.
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng với hiện tượng xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội thời gian vừa qua.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định, đây là câu hỏi quan trọng và cũng rất khó, để thực hiện cần thời gian lâu dài. Tại kỳ họp trước, ông Thiện đã từng trả lời câu hỏi này nhưng từ đó đến nay biểu hiện xuống cấp của đạo đức vẫn phức tạp. Đạo đức nghề nghiệp sa sút, đạo đức công vụ, đạo đức chính trị xuống cấp…
Bộ trưởng cho biết, là cơ quan được giao tham mưu cho Chính phủ xây dựng con người mới, khắc phục những biểu hiện xuống cấp đạo đức của con người, xã hội này, sau khi có nghị quyết 33 năm 2014 của Quốc hội, Bộ đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh việc quản lý lễ hội, xét tặng danh hiệu gia đình văn hoá, thôn bản văn hoá, nâng cao hiệu quả của các thiết chế văn hoá như sinh hoạt cộng đồng, phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, của các nghệ sĩ để hướng tới đời sống chân thiện mỹ, đấu tranh với những biểu hiện xuống cấp đạo đức.
"Tuy nhiên, qua các biện pháp này, chúng tôi nhận thấy, như Bác Hồ nói, vì lợi ích trăm năm trồng người, để có sự thay đổi tích cực về vấn đề này cần nhiều thời gian hơn. Việc này xét cho cùng cái gốc vẫn là kinh tế nên nếu bỏ qua kinh tế thì không xử lý được. Nếu để một mình ngành văn hoá cứ loay hoay thế này thì rất khó", Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện than phiền.
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội) nói "phú quý sinh lễ nghĩa" nhưng điều đó không có nghĩa tiền có thể mua được văn hoá, được đạo đức. Tại sao thời gian trước, kinh tế đất nước chưa phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống xã hội rất bình yên, con người hiền hoà, hạnh phúc?
Phản biện về nguyên nhân, đại biểu Tuấn nhấn mạnh đầu tiên một con người hình thành nhân cách, đạo đức chính là trong gia đình, sau đến môi trường nhà trường vì "tiên học lễ, hậu học văn". Hiện việc học "văn", dạy kiến thức văn hoá được đề cao quá mức mà coi nhẹ việc học "lễ". Theo đại biểu, đây chính là nguyên nhân đầu tiên khiến đạo đức xuống cấp.
Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là tranh luận thú vị, xem kinh tế là gốc hay văn hoá tinh thần là gốc. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lại nói "trả lời bằng văn bản".
Giơ tấm biển tranh luận F09, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói ông không tranh luận.
Ông cảm ơn đại biểu Tuấn và đồng tình quan điểm của đại biểu Tuấn rất đúng. Ông không phản đối, chỉ muốn giải thích thêm.
Bộ trưởng nói, từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức là các cơ quan nói đã giao cho ngành Văn hoá và các ngành xã hội rồi. Với quan điểm như thế, cứ vứt ra và bảo "đó là việc của các anh, hãy làm đi" như vậy vấn đề xuống cấp đạo đức này còn chưa khắc phục được. Việc này cần cả xã hội vào cuộc. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đến trước hết từ các ngành kinh tế nên phải xử lý ở các ngành kinh tế. Vậy nên cứ giao cho Bộ Văn hoá loay hoay thì không giải quyết được.
Hội trường có nhiều tiếng cười, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.
Sau đó Bộ trưởng Thiện dẫn chứng, sự đầu tư của các địa phương dành cho ngành văn hoá rất thấp. Ví dụ, kinh phí cấp cho việc bảo tồn di tích văn hoá, 3 năm qua chỉ vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng.
Nếu cứ tiếp tục thế này thì nhiệm kỳ sau Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch vẫn sẽ bị chất vấn tiếp về đạo đức xã hội, Bộ trưởng Thiện lại tiếp tục than phiền.