15:01 31/01/2018

Bộ tứ ngân hàng tư nhân Việt giàu lên trông thấy

Minh Đức

VPBank, Techcombank, MB và HDBank đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với "Big 4" Nhà nước

Nếu cổ tức là "của ăn" thì vốn chủ sở hữu phản ánh nguồn lực "của để", nhất là ở nguồn lợi nhuận giữ lại chưa chia và thặng dư có được - Ảnh: Quang Phúc.
Nếu cổ tức là "của ăn" thì vốn chủ sở hữu phản ánh nguồn lực "của để", nhất là ở nguồn lợi nhuận giữ lại chưa chia và thặng dư có được - Ảnh: Quang Phúc.

Đến thời điểm này hầu hết các ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2017, với sự nổi lên ở một số thành viên khối cổ phần tư nhân.

Sau những con số lợi nhuận ấn tượng, điểm đáng chú ý ở mùa báo cáo kết quả kinh doanh này là quy mô vốn gia tăng mạnh ở một số thành viên dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

"Của ăn, của để"

Nếu cổ tức là "của ăn" thì vốn chủ sở hữu phản ánh nguồn lực "của để", nhất là ở nguồn lợi nhuận giữ lại chưa chia và thặng dư có được.

Một mặt, nguồn vốn này tích lũy và "giàu" lên tạo động lực thúc đẩy kinh doanh trong tương lai; mặt khác, nó gia cố thêm tấm đệm an toàn, phòng ngừa rủi ro. Và đây cũng chính là những thành viên đang có năng lực mạnh để thực hiện Basel 2, xét ở tiêu chuẩn tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Vẫn là Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) nổi bật ở khía cạnh này.

Sự giàu lên trông thấy thể hiện rõ ở sự tăng trưởng đột biến quy mô vốn chủ sở hữu - một tiêu chí đang thu hẹp khoảng cách với khối "Big 4" các ngân hàng thương mại Nhà nước, thay vì so sánh về quy mô tổng tài sản.

VPBank và HDBank nổi bật vì đã tạo được các đợt IPO thành công trong 2017, thành công ở thặng dư vốn thu về rất lớn và qua đó nâng cao quy mô vốn chủ sở hữu.

Đến cuối 2017, quy mô vốn chủ sở hữu của VPBank đã lên tới 29.693 tỷ đồng (vốn điều lệ 15.706 tỷ), tăng vọt so với con số 17.177 tỷ cuối 2016. Tương tự, HDBank cũng gia tăng đột biến ở chỉ tiêu này từ 9.942 tỷ đồng lên 14.759 tỷ đồng trong năm qua (vốn điều lệ 9.810 tỷ).

Phải sau gần chục năm hệ thống ngân hàng Việt Nam mới ghi nhận những bước gia tăng mạnh mẽ của quy mô vốn chủ sở hữu, đặc biệt đến từ thặng dư vốn cổ phần sau phát hành, dù mới chỉ số ít thành viên tạo được bằng cách này.

Cùng với VPBank và HDBank, bằng con đường khác, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng đã tích lũy được quy mô vốn chủ sở hữu lên tới 26.930 tỷ đồng (vốn điều lệ 11.655 tỷ).

Trong nguồn lực này Techcombank có gần 11.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối, sau quá trình 7 năm liền không trả cổ tức.

Bên cạnh VPBank, Ngân hàng Quân đội (MB) hiện cũng đã có quy mô vốn chủ sở hữu lên tới 29.601 tỷ đồng.

"Big 4" dậm chận tại chỗ

Với những kết quả trên, đến cuối 2017, khối ngân hàng thương mại tư nhân đã có quy mô vốn chủ sở hữu thu hẹp khoảng cách với khối "Big 4".

Ngược lại, đã ba năm qua khối "Big 4" các ngân hàng thương mại Nhà nước gần như không tăng được vốn, ngoại trừ trường hợp Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã chuyển hóa khoảng 9.000 tỷ thặng dư trước đây thành cổ phần tăng vốn trong năm 2016.

Vietcombank hiện có quy mô vốn chủ sở hữu 36.022 tỷ đồng, cũng không còn quá vượt trội so với những ngân hàng thương mại cổ phần nói trên, như với VPBank và MB.

Trong khi đó, lớn nhất so với toàn hệ thống, Ngân hàng Công thương (VietinBank) đang có quy mô vốn chủ sở hữu lên tới 63.685 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV) có 48.985 tỷ đồng.

Ngoại trừ Vietcombank vượt trội về lợi nhuận, có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn nói trên nhưng các thành viên còn lại của khối ngân hàng thương mại Nhà nước đã bị thu hẹp khoảng cách về quy mô lợi nhuận, về con số tuyệt đối, so với một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân sau kết quả kinh doanh năm qua.