09:37 09/11/2017

Bước ngoặt chiến lược của Traphaco

P.V

Đầu tư lớn cho mảng tân dược trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt là một bước đi táo bạo của Traphaco

Nhà máy sản xuất dược Việt Nam có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, với công suất 1,2 tỷ đơn vị/năm được xây dựng trên diện tích hơn 46 nghìn m2 tại Hưng Yên.
Nhà máy sản xuất dược Việt Nam có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, với công suất 1,2 tỷ đơn vị/năm được xây dựng trên diện tích hơn 46 nghìn m2 tại Hưng Yên.

Bên cạnh dẫn đầu về mảng đông dược, động thái đưa Nhà máy sản xuất thuốc tân dược vận hành từ đầu tháng 11 của Traphaco cho thấy kế hoạch tham vọng của doanh nghiệp này khi lấn sân sang mảng tân dược.

Nhà máy sản xuất dược Việt Nam có tổng vốn đầu tư 477 tỷ đồng, với công suất 1,2 tỷ đơn vị/năm được xây dựng trên diện tích hơn 46 nghìn m2 tại Hưng Yên. Nhà máy là minh chứng cho khả năng lập kế hoạch của Ban lãnh đạo Traphaco với thời gian xây dựng, lắp đặt máy móc thần tốc trong 1,5 năm, sớm hơn tiến độ dự kiến, tổng vốn đầu tư bằng với dự toán đã được đại hội đồng cổ đông Traphaco năm 2015 phê duyệt.

Hiện đại hóa dây chuyền sản xuất và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, một trong những hướng đi chiến lược của Traphaco, đã thể hiện rõ nét ở dự án này. Công nghệ, máy móc được sử dụng tại nhà máy đều là nhóm dẫn đầu, với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới các tiêu chuẩn GMP - EU, PIC/S.

Cụ thể, Traphaco là công ty đầu tiên trong nước áp dụng công nghệ BFS trong sản xuất thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi. Hiện nay, BFS là công nghệ sản xuất thuốc nhỏ mắt mới nhất trên thế giới, pha chế tự động với chu trình khép kín, công thức pha chế dịch được lập trình sẵn trên phần mềm, công nghệ chiết rót dịch điện tử, tiệt trùng tự động đảm bảo vô trùng cho các sản phẩm thuốc nhỏ mắt.

Điểm khác biệt của dây chuyền này là không sử dụng bao bì nhựa làm sẵn. Thay vào đó, lọ đựng thuốc nhỏ mắt được thổi từ hạt nhựa nguyên sinh nóng chảy và đúc thành lọ trực tiếp trên dây truyền. Rồi, gần như cùng lúc, kim rót bơm dịch vô trùng vào, và lọ thuốc lập tức được hàn kín. Toàn bộ quá trình nạp hạt nhựa - đúc thành lọ - rót dịch thuốc - hàn kín chỉ diễn ra trong 13s.

Dây chuyền thuốc viên của nhà máy được trang bị hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ của châu Âu kết nối liên hoàn, khép kín đảm bảo giảm thiểu nguy cơ bay bụi ra ngoài môi trường.

Còn toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị của các dây chuyền sản xuất thuốc nước và thuốc uống siro, đều được thiết kế đồng bộ với hệ thống pha chế hoàn toàn tự động, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do tác nhân con người.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Công ty, nguồn nguyên liệu tân dược được nhập khẩu trực tiếp từ các nhà cung ứng có thương hiệu và uy tín trên thế giới (như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật,…).

Yếu tố "nhà máy chuẩn" đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng thuốc. Lý do là 1 nhà máy dược thường sản xuất hàng chục sản phẩm, bởi vậy trong tiêu chuẩn GMP, người ta sợ nhất nhiễm chéo, tức là cùng hệ thống máy móc sản xuất nếu không được làm sạch sau khi sản phẩm này sản xuất sẽ còn tồn dư dược chất trong máy móc lẫn sang sản phẩm thứ hai. Công nghệ sản xuất không sinh bụi giúp hạn chế tiếp xúc của công nhân, hạn chế tối đa nồng độ bụi, máy móc tự động vệ sinh sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ này.

Công nghệ hiện đại của nhà máy ngoài đảm bảo chất lượng thuốc đồng đều , còn đem tới năng suất lao động rất cao. Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Chinh, Quản đốc phân xưởng sản xuất thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi của Traphaco: "Trong 13 giây, máy BFS tạo ra 2 vỉ thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, 1 giờ cho ra 8.000 lọ, một ngày đạt 200.000 lọ, gấp 3 lần so với dây chuyền sản xuất cũ.

Hướng đến xây dựng nhà máy "Dược phẩm xanh", hệ thống xử lý chất thải của Nhà máy cũng được đầu tư thiết kế và kiểm soát tự động đảm bảo đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường tốt nhất theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.

Đầu tư lớn cho mảng tân dược trong bối cảnh thị trường cạnh tranh quyết liệt là một bước đi táo bạo của Traphaco. Song tiềm năng của thị trường còn lớn.

Theo IMS Health dự báo, đến năm 2020, mỗi người Việt Nam sẽ tiêu thụ bình quân 50 USD tiền thuốc mỗi năm, so với mức 33 USD năm 2015 và so với mức bình quân 78 USD của 22 nước có ngành dược phẩm mới nổi, tốc độ tăng trưởng dự kiến khoảng 10%/năm.

Đặc biệt, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng thuốc ngày càng tăng cao trong thời gian tới.

Nhà máy dược Việt Nam được vận hành hết công suất sẽ tạo ra vị thế mới cho Traphaco. Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng, đây chính là một mắt xích tạo ra sự tăng tốc về doanh thu và lợi nhuận cho Công ty trong tương lai.