08:33 18/07/2022

Cả châu Âu quay cuồng chuẩn bị cho kịch bản bị Nga cắt khí đốt hoàn toàn

An Huy

Hôm 11/7, đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã tạm ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ trong 10 ngày. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với châu Âu lúc này là liệu đường ống có vận hành trở lại đúng thời hạn, hay Nga sẽ nhân cơ hội này cắt luôn khí đốt?

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Liên minh châu Âu (EU) đang vội vã chuẩn bị cho trường hợp Nga cắt cung cấp khí đốt đối với toàn khu vực. Trong một tình huống khủng hoảng như vậy, các quốc gia thành viên EU có nghĩa vụ phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau – nghĩa là cung cấp khí đốt cho nhau và trao đổi thông tin.

Hôm 11/7, đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã tạm ngừng hoạt động để bảo trì định kỳ trong 10 ngày. Câu hỏi lớn nhất đặt ra với châu Âu lúc này là liệu đường ống có vận hành trở lại đúng thời hạn, hay Nga sẽ nhân cơ hội này cắt luôn khí đốt?

Tờ báo Đức DW đã điểm qua những thách thức về khí đốt mà châu Âu đang đối mặt và hướng giải quyết của họ:

CÁC NGUYÊN TẮC NÀO SẼ ÁP DỤNG TRONG EU NẾU XẢY RA TÌNH TRẠNG THIẾU KHÍ ĐỐT?

Nếu Nga không nối lại việc cung cấp khí đốt sau khi hoàn thành việc bảo trì Nord Stream 1, EU sẽ phải áp dụng quy chế An ninh Nguồn cung (SOS) 2017. Theo quy chế SOS, tất cả các nước thành viên EU phải có sẵn kế hoạch khẩn cấp và một hệ thống cảnh báo ba giai đoạn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không phải chính phủ nào trong EU cũng đã hoàn tất công tác thiết lập kế hoạch và hệ thống như vậy.

Các nước trong EU đều nằm trong các nhóm khu vực, mỗi nhóm cùng đối mặt với những rủi ro chung. Một nhóm phải kể tới bao gồm các nước vùng Baltic và Phần Lan – nhóm có sự phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt từ Nga và hiện đã tìm được các giải pháp thay thế một phần nguồn cung từ Nga.

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp là một nhóm khác. Những nước này chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt Nga và sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp nếu Nga cắt khí đốt.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, các nước thành viên EU sẽ có nghĩa vụ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau – nghĩa là cung cấp khí đốt cho nhau và trao đổi thông tin. Ngoài ra, các nước EU được yếu cầu phải có dự trữ khí đốt đầy ít nhất 80% trước khi bước vào mùa sưởi ấm bắt đầu vào mùa thu.

Giới chuyên gia và chính khách nhận ra một vấn đề là việc Nga cắt giảm và tạm dừng cung cấp khí đốt khiến cho việc các nước thành viên EU chia sẻ khí đốt hoặc làm đầy dự trữ khí đốt trở nên cực kỳ khó khăn.

ĐỨC CÓ VAI TRÒ NHƯ THẾ NÀO TRÊN THỊ TRƯỜNG KHÍ ĐỐT Ở EU?

Đức là nước châu Âu nhập khẩu nhiều khí đốt từ Nga nhất, đồng thời là một quốc gia trung chuyển khí đốt Nga chảy qua đường ống Nord Stream 1 và các đường ống khác. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Đức không còn nhận được khí đốt Nga? Trong trường hợp như vậy, liệu Đức có trung chuyển khí đốt mà nước này nhận được từ Na Uy hoặc Hà Lan tới các quốc gia khác giữa lúc chính Đức cũng đang khan hiếm khí đốt?

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đang đàm phán thoả thuận đoàn kết với các nước láng giềng. Các thoả thuận này sẽ giữ vai trò điều tiết nguồn cung khí đốt trong tình huống khẩn cấp. “Chúng tôi sẽ phải nhìn vào tất cả các kịch bản có thể xảy ra và điều gì đích xác sẽ xảy ra trong mỗi tình huống, chẳng hạn một sự gián đoạn nguồn cung khí đốt bất kỳ đều phải được công bố chính thức, tại quốc gia nào, ở cấp độ như thế nào, để chúng tôi biết chính xác những gì đang xảy ra”, ông Habeck nói trong chuyến làm việc mới đây với Bộ trưởng Bộ Công thương Séc Josef Sikela.

Ông Habeck đã đàm phán một hiệp ước với Chính phủ Séc. Ông cho biết hai bên sẽ lập một cơ quan chung để theo dõi sự thiếu hụt khí đốt, để mỗi quốc gia không bị ảnh hưởng quá mức. Chẳng hạn, phía Séc được cung cấp khí đốt chủ yếu thông qua các đường ống ở Đức. Ba Lan cũng tiếp nhận khí đốt chảy qua Đức và đường ống Nord Stream 1, còn Thuỵ Sỹ phụ thuộc hoàn toàn và nguồn khí đốt từ Đức.

LIỆU SỰ ĐOÀN KẾT VỀ KHÍ ĐỐT CÓ PHÁT HUY TÁC DỤNG TRONG EU?

Quy chế SOS quy định rằng khí đốt sẽ chỉ được bơm cho các nước thành viên đã công bố tình trạng khẩn cấp và nỗ lực hết sức để cắt giảm tiêu thụ. Theo quy chế này, việc mua và bán khí đốt vẫn sẽ có sự tham gia của các nhà cung cấp nửa nhà nước, nửa tư nhân - một việc phức tạp trong thời gian có khủng hoảng.

Việc thiết lập một mức trần đối với giá khí đốt, theo đề xuất của Italy, đến nay vẫn vấp phải sự phản đối của EU, khi các nước khác cho rằng cách này sẽ phản tác dụng. Bulgaria - một nước đã bị hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga tẩy chay – hiện vẫn trung chuyển khí đốt Nga đi qua đường ống Turk Stream của Bulgari tới Serbia và Hungary. Không rõ liệu việc này có thể tiếp tục nếu xảy ra khủng hoảng?

Các đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga và khu vực Kavkaz tới EU.
Các đường ống chính dẫn khí đốt từ Nga và khu vực Kavkaz tới EU.

Hungary hiện đã công bố tình trạng khẩn cấp và cấm hoàn toàn việc xuất khẩu năng lượng, đồng nghĩa với việc nước này không còn tuân thủ nguyên tắc đoàn kết trong EU.

“Không ai dám chắc đây có phải là một cách thông minh đối với một một quốc gia nằm hoàn toàn trong nội địa với mức dự trữ khí đốt chưa đầy 3 tỷ mét khối và mức tiêu thụ khí đốt mỗi năm là 10 tỷ mét khối”, chuyên gia cấp cao về năng lượng và chính sách khí hầu Georg Zachman của tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Brussels, Bỉ nhận định trên mạng xã hội Twitter.

Từ lâu, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đề nghị các quốc gia thành viên hoàn tất các thoả thuận song phương về đoàn kết trong vấn đề nguồn cung khí đốt, bởi cơ quan này không có cơ chế quyền soát trung tâm nào về hạn ngạch – hay bất kỳ thứ gì đó tương tự - đang có hiệu lực. Bởi vậy, Đức đến nay đã ký ba thoả thuận, một với Đan Mạch, một với Áo và một với Séc. Ngoài ra, còn có các thoả thuận giữa Lithuania với Latvia, giữa Estonia với Latvia, giữa Phần Lan với Estonia, và giữa Italy với Slovenia.

Về các nhà cung cấp khí đốt, có một vấn đề phức tạp khác là quyền sở hữu. Trên thị trường khí đốt ở châu Âu, quyền sở hữu này thường là sở hữu chéo giữa các quốc gia. Chẳng hạn, nhà nước Phần Lan sở hữu một phần công ty cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức Uniper. Bởi vậy, câu hỏi được đặt ra là chính phủ nào sẽ ra tay giải cứu nến các công ty tư nhân rơi vào khó khăn tài chính.

Nhưng có một vấn đề chính không thể được giải quyết thông qua sự phối hợp giữa các quốc gia thành viên hay bằng các kế hoạch mà EC đưa ra – theo ông Markus Ferber, một đại diện của Đức trong Quốc hội châu Âu. Ông Ferber nói rằng vấn đề đơn giản đó là không có đủ khí đốt. Các chính phủ có phối hợp “thì cũng chẳng thể đưa chúng ta vượt qua mùa đông này”, ông nói.

CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN EU ĐANG LÀM GÌ ĐỂ NGĂN CHẶN CUỘC KHỦNG HOẢNG NGUỒN CUNG KHÍ ĐỐT?

Cuộc tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt Nga của các nước châu Âu đang diễn ra, nhưng đương đầu với sức ép lớn. Đức và các nước vùng Baltic đã đặt hy vọng vào khí hoá lỏng nhập khẩu từ Trung Đông hoặc Mỹ, có thể tích trữ một phần số khí hoá lỏng này trong các kho chứa nổi trên biển thậm chí còn chưa được xây dựng. Italy đang mua khí đốt từ Algeria và Azerbaijan. Nguồn khí đốt bổ sung từ Na Uy, Anh, Algeria và Hà Lan đang được gom mua, nhưng giá cả ngày càng đắt đỏ hơn.

EC ước tính rằng tất cả những nguồn cung này sẽ không đủ để thay thế ngay khí đốt từ Nga. Vì vậy, EC hối thúc việc tiết kiệm năng lượng và tiêu thụ ít khí đốt hơn tại một số nơi công cộng nhất định. Ông Habeck gần đây có ý nói rằng trong những tình huống khẩn cấp cực đoan, sẽ không phải là khôn ngoan nếu ưu tiên cung cấp khí đốt cho hộ gia đình thay vì doanh nghiệp.

LIỆU EU CÓ THAY ĐỔI QUY CHẾ HAY KHÔNG?

EC sẽ đưa ra một kế hoạch khẩn cấp trong tuần này. Kế hoạch sẽ quy định rằng trong trường hợp có nghi ngờ, việc phát điện tại các nhà máy điện chạy bằng khí đốt phải được ưu tiên hơn so với việc sưởi ấm và nấu nướng tại các hộ gia đình. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, các nhà máy này đang ở vị trí ưu tiên thứ hai.

Theo Bộ Kinh tế Đức, các quy định EU sẽ phải thay đổi vì các quy định này được đặt ra cho các trường hợp gián đoạn nguồn cung ngắn hạn tại các quốc gia đơn lẻ, thay vì tình trạng gián đoạn nguồn cung trên quy mô lớn. EC cũng dự định đưa ra quy định rằng các toà nhà công cộng và thương mại sẽ chỉ được sưởi ấm tối đa ở mức 19 độ C. Một nền tảng của EU phục vụ cho việc mua chung khí đốt đã được thiết lập nhưng chưa đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch khẩn cấp của EU, việc tiết kiệm năng lượng tại nhà dân và tại doanh nghiệp có thể bù đắp cho khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga bị cắt. Nhưng 2/3 còn lại thì sao? Các bộ trưởng năng lượng trong EU sẽ bàn bạc để tìm câu trả lời cho vấn đề này tại một hội nghị đặc biệt vào cuối tháng 7.