12:11 23/11/2019

Cà phê cuối tuần: Giải "tiếng oan" cho thị trường phái sinh

Quỳnh Nguyễn

Thị trường phái sinh từ chỗ được kỳ vọng là công cụ phòng vệ rủi ro cho thị trường cơ sở, đã trở thành "tội đồ" mang tiếng xấu phá nát thị trường cơ sở.

"Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải theo dõi từ những kinh tế, chính trị, phân tích nội tại Việt Nam rồi phân tích kĩ thuật, dự báo… Cá nhân tôi cho rằng đây là công việc thực sự phức tạp và có đầu tư nghiêm túc" – Ông Bùi Văn Huy, Trưởng phòng Phân tích Chiến lược thị trường, Khối Khách hàng Cá nhân, Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) chia sẻ.

Thị trường phái sinh không "làm nát" thị trường cơ sở…

Với những biến động thất thường của thị trường cơ sở, chưa bao giờ thị trường phái sinh lại mang tiếng xấu như lúc này. Khi ra đời, sản phẩm phái sinh được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản thị trường nhưng sau hơn 1 năm vận hành, chúng ta nghe rất nhiều đến việc thị trường phái sinh đã làm "nát" thị trường cơ sở. Ông nghĩ sao?

Cá nhân tôi không ủng hộ đánh giá "Thị trường phái sinh làm "nát" thị trường chứng khoán cơ sở".

Tôi lại cho rằng thị trường phái sinh đang hỗ trợ cho thị trường chứng khoán cơ sở. Hỗ trợ ở chỗ là khi thị trường cơ sở không có cơ hội kiếm lời thì thị trường phái sinh là nơi giúp giữ tiền lại cho thị trường, nhà đầu tư không rút ra mà tiếp tục giao dịch phái sinh. Phái sinh còn giúp thị trường cơ sở ổn định hơn, nhiều nhà đầu tư tham gia Hợp đồng tương lai như một công cụ phòng ngừa rủi ro – hedging và cá nhân tôi cho rằng sản phẩm Hợp đồng tương lai vẫn rất hữu ích chứ không "phá nát".

Nhưng không thể phủ nhận "mối tương quan xấu" giữa thị trường phái sinh và thị trường cơ sở?

Có điểm khá trùng hợp khiến nhiều người nghĩ như quan điểm trên là khi thị trường phái sinh ra đời cũng là lúc thị trường cơ sở lập "đỉnh". Thời điểm ấy, thị trường cơ sở chịu nhiều tác động xấu của thị trường thế giới. Lúc thị trường phái sinh bùng nổ thanh khoản thì cũng chính là lúc thị trường cơ sở rơi khiến mọi người liên tưởng như vậy. 

Thực tế không phải như vậy mà thị trường phái sinh ra đời đã mở ra nhiều cơ hội hơn, hỗ trợ hơn, cho nhà đầu tư. Quan điểm ấy vào năm trước, nhiều người suy nghĩ vậy nhưng đến nay, số lượng suy nghĩ này đã giảm đi. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, thị trường phái sinh đã trở lên lành mạnh hơn rất nhiều.

Cá nhân tôi thấy nhiều người cùng nghĩ: sản phẩm phái sinh có làm "nát" thị trường không, có khả năng kiếm lời không, có phải là cuộc chơi với nhà cái không, có phải là cuộc chơi công bằng không?... Đó là những câu hỏi lúc đầu nhà đầu tư cũng đặt ra vì đối với sản phẩm mới, họ sẽ nghi ngờ, nhất là khi giao dịch không thành công. Lâu dần, khi nhà đầu tư am hiểu và thuần thục sản phẩm hơn thì những nghi vấn đó cũng sẽ giảm dần, thị trường sẽ phát triển tốt hơn hơn, thu hút nhiều người tham gia hơn.

Gần đây thanh khoản của thị trường phái sinh sụt giảm, giá trị giao dịch trung bình từ hơn 10.000 tỷ đồng bây giờ đã xuống quanh 5.000 tỷ đồng. Liệu đó có phải là một sự "vỡ mộng" trong giao dịch phái sinh?


Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân cơ bản khiến thanh khoản thị trường phái sinh giảm.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán cơ sở tốt hơn nên dòng tiền dịch chuyển qua chứng khoán cơ sở. Sản phẩm phái sinh lúc mới ra đời chưa thu hút nhà đầu tư, tuy nhiên, khi thị trường cơ sở giảm mạnh (năm 2018) sản phẩm phái sinh lại rất thu hút. Vì sản phẩm phái sinh là sản phẩm hai chiều, có nghĩa khi xuống vẫn có thể kiếm tiền được chứ không chỉ mỗi lúc lên. Nhờ vậy, sản phẩm phái sinh đã thu hút được nhà đầu tư.

Cơ hội đầu tư năm 2018 rất ít, nếu mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở gần như là lỗ và kiếm tiền lúc thị trường xuống chỉ có từ phái sinh. Nhờ đặc tính hấp dẫn 2 chiều như vậy nên sản phẩm phái sinh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở không có nhiều cơ hội.

Bắt đầu từ cuối 2018, đầu 2019, thị trường cơ sở dần ổn trở lại khi những thông tin xấu dần bớt đi như lo ngại Mỹ tăng lãi suất, chiến tranh thương mại, nỗi lo về suy thoái kinh tế trong nước… Thị trường dần tốt lên và các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội đầu cơ tốt từ thị trường chứng khoán cơ sở nên đã chuyển dòng tiền sang thị trường cơ sở.

Thứ hai, hiện tại, việc kiếm tiền từ thị trường phái sinh không dễ vì đây là một sản phẩm phức tạp cần có sự nghiên cứu kỹ càng. Đã có một số lượng lớn nhà đầu tư bị thua lỗ khi tham gia thị trường phái sinh  đã ngừng giao dịch và rời bỏ thị trường. Sau một thời gian tham gia giao dịch, nhà đầu tư cũng có nhiều kinh nghiệm và họ trở nên chiến lược hơn.

Trước đây, nhà đầu tư mua bán liên tục trong phiên. nhưng họ dần nhận ra việc mua bán như vậy không hiệu quả. Nhà đầu tư dần có góc nhìn dài hạn hơn về chiến lược, không lướt quá nhiều mà tập trung vào có chiến lược giao dịch cụ thể. Do đó, vừa nhà đầu tư rời thị trường, vừa nhà đầu tư cũ bớt lướt sóng hơn khiến thanh khoản giảm.

Thứ ba, do phí quản lý tài khoản tăng khiến nhà đầu tư giảm giao dịch bởi việc tìm kiếm cơ hội có lời đã khó nay lại gánh thêm nhiều chi phí (dù không giao dịch cũng tốn tối thiểu 400 nghìn/tháng để quản lý tài khoản). Đối với nhà đầu tư nhỏ, đó cũng là khoản phí lớn. Cùng với đó, chi phí giao dịch tăng lên (phí giao dịch hàng ngày, phí giữ hợp đồng qua đêm, phí quản lý…).

Việc giao dịch nhiều sẽ làm tăng tổng chi phí giao dịch lên nên nhà đầu tư sẽ giao dịch ít lại. Phí giao dịch tăng lại khiến giao dịch kém hiệu quả đi. Vì phái sinh như trò chơi có tổng bằng không [Zero-sum game]. Cái phần bị lấy đi ấy đã tăng thêm [do tăng chi phí giao dịch] nên càng khó khăn cho nhà đầu tư. Phí giao dịch tăng dễ đầu tư không lời nên rời bỏ thị trường, lướt nhiều lại tốn phí nhiều hơn nên nhà đầu tư có xu hướng găm giữ lâu hơn.

HSC 1

Ông Bùi Văn Huy cho rằng cho rằng, thanh khoản thị trường chứng khoán phái sinh hiện đang ở mức đáy

Vậy xu hướng sụt giảm này còn kéo dài không? 

Cá nhân tôi cho rằng, thanh khoản thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay đang ở mức đáy, vì: 

(i) Nhà đầu tư đã bám trụ đến nay chủ yếu là nhà đầu tư đầy kinh nghiệm (đã đầu tư chứng khoán lâu năm hoặc từ kênh Forex chuyển qua). Số nhà đầu tư không có hoặc không nhiều kinh nghiệm còn rất ít. Nhà đầu tư còn trụ lại được sau một thời gian biến động sẽ tiếp tục trụ lại thêm. 

(ii) Thị trường phát triển về chiều sâu tốt hơn, ngày càng có nhiều sự tham gia của sản phẩm mới. 

(iii) Đã có thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức sử dụng hợp đồng tương lai để phòng ngừa rủi ro. Chung quy lại, số nhà đầu tư sẽ tăng lên. 

Covered Warrants không phải là "đánh cược" với "nhà cái" 

Liên quan đến cuộc chơi với nhà cái, có ý kiến cho rằng đầu tư hợp đồng tương lai (Futures) được coi là đánh bạc còn chứng quyền (CW) là đánh cược với nhà cái và chỉ có thua. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

Đầu tiên, phải hiểu "đánh bạc" là thế nào? Đánh bạc phụ thuộc may rủi. Tuy nhiên, phải hiểu Futures là sản phẩm khó nhất trong các sản phẩm mà nhà đầu tư Việt Nam quen thuộc. Vì bản chất của Futures là phải dự đoán được xu hướng. Thị trường chứng khoán Việt Nam lại diễn biến phức tạp.

Tôi cảm nhận dường như không có nhà đầu tư ở nước nào mà khổ như ở Việt Nam vì tối phải thức xem diễn biến Dow Jones, ban ngày phải theo dõi tình hình vĩ mô, theo dõi các thị trường châu Á (cả cổ phiếu lẫn trái phiếu), nghe ngóng thông tin chiến tranh thương mại. Nói cách khác, theo dõi từ những điều rất lớn như kinh tế, chính trị, phân tích nội tại Việt Nam rồi phân tích kĩ thuật, dự báo… Cá nhân cho rằng đây là công việc thực sự phức tạp và cực kì khó.

Có nhiều trường phái khác nhau nhưng để thực sự "chơi" tốt, cần trang bị một lượng kiến thức rất lớn. Vì thế, không thể xem có yếu tố "đánh bạc" ở đây mà phải như một bộ môn nếu dự báo đúng sẽ thắng, dự báo sai sẽ thua. Để dự báo cần sự tổng hợp kiến thức, động não, độ nhạy cảm rất nhiều. Cần kiến thức để dự đoán đúng xu hướng, độ nhạy cảm hoặc tâm lý để kiểm soát rủi ro. Vì thế, chỉ nói riêng kiến thức là không đủ mà còn cần cả yếu tố tâm lý, sự kiên nhẫn.

Nói về CW là đánh cược với nhà cái: "Đánh cược" là trường hợp có bên thắng và bên thua. Thực tế, mọi người nghĩ nếu nhà đầu tư thắng CW là lấy tiền của nhà cái là không đúng. CW nếu phân tích kĩ sẽ là trò chơi hai bên cùng thắng. Giả sử, có "call" nghĩa là chiều lên, vậy khi chiều xuống, nhà đầu tư sẽ lỗ. Nhưng thực sự, công ty chứng khoán cũng mong cổ phiếu lên vì đây là cuộc chơi win-win do công ty chứng khoán không đánh cược với nhà đầu tư mà thực hiện nghiệp vụ tạo lập và nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro.

Bản chất, khi nhà đầu tư mua CW thì công ty chứng khoán phải phòng ngừa rủi ro bằng cách mua lượng chứng khoán cơ sở tương ứng và lượng mà nhà đầu tư thắng được từ CW thì công ty chứng khoán không lấy tiền từ công ty mà lấy từ cổ phiếu cơ sở đã mua để phòng ngừa rủi ro và trả cho nhà đầu tư.

Ví dụ, bạn có chứng quyền của MBB tăng giá và được lấy tiền ngày đáo hạn, giá điều kiện 20 mà giá hiện nay là 21 tức bạn được 1.000, khi mà nhà đầu tư mua CW thì công ty chứng khoán phải mua số lượng chứng khoán cơ sở tương ứng trên thị trường cơ sở và tại ngày đáo hạn, bạn nhận được tiền của công ty chứng khoán thì công ty chứng khoán lấy tiền lời từ việc mua CP MBB – phòng ngừa rủi ro để trả nhà đầu tư chứ  không đánh cược (công ty chứng khoán tự lấy tiền túi để trả).

Nếu cổ phiếu xuống thì nhà đầu tư mất, công ty chứng khoán cũng lỗ trên lô cổ phiếu cơ sở mà công ty đã mua. Do đó, không gọi là trò chơi đánh cược mà là trò chơi win-win. Tất nhiên, khi mua CW thì công ty chứng khoán có được 1 khoản phí ở đó như là cái vé để mua sản phẩm đó – premium: để chơi thì nhà đầu tư phải trả 1 khoản phí mà trong điều kiện hoàn hảo, không chịu rủi ro nào mà qua nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro, công ty chứng khoán được hưởng khoản phí đó chứ hoàn toàn không có gì gọi là đánh cược với nhà đầu tư ở đây.

Thực sự là ngay cả công ty chứng khoán cũng rất mong giá cổ phiếu lên, nhà đầu tư có lợi, công ty chứng khoán được hưởng khoản phí; khi giá xuống, cả hai bên đều không có lợi. Bản chất CW không phải là đánh cược mà là chỉ mong được hưởng khoản phí khi phát hành chứng quyền.

Tóm lại, FT là cuộc chơi cần động não rất nhiều còn CW là cuộc chơi win-win trong đó, công ty chứng khoán khi phát hành được sản phẩm có thể giúp, hỗ trợ nhà đầu tư tăng đòn bẩy, tăng lợi nhuận trong các tình huống họ tin rằng giá cổ phiếu cơ sở sẽ lên.

Quan trọng là nhà đầu tư phải kiểm soát được cảm xúc

Cảm xúc của ông có sự khác nhau khi theo dõi diễn biến của TTCK phái sinh và TTCK cơ sở?

Dĩ nhiên, có sự khác biệt về cảm xúc khi theo dõi TTCK phái sinh và TTCK cơ sở: TTCK phái sinh áp lực hơn. Cái gì cũng có 2 mặt.

Thị trường phái sinh có một số điểm ưu việt chính sau: Có thể giao dịch ngay trong phiên (thị trường cơ sở là T3); Tính đòn bẩy rất cao (so với thị trường cơ sở); Có thể long – short: giao dịch 2 chiều.

Ba đặc điểm ưu việt cũng dẫn đến 3 sự khác nhau khi tham gia thị trường, cảm xúc cũng khác nhau. Tất cả cảm xúc đều dồn một hướng, tạo áp lực cho phái sinh và rủi ro hơn.

Giao dịch ngay trong phiên: Có rất nhiều thảo luận trên cả học thuật lẫn thực tế về nâng cao hiệu quả. Đánh giá chung là người giao dịch càng nhiều thì hiệu quả càng giảm. Sản phẩm phái sinh giúp nhà đầu tư có lợi là nếu dự đoán sai có thể cắt lỗ ngay hoặc dự đoán đúng có thể chốt lời ngay.

Nhưng việc giao dịch ngay trong phiên tạo áp lực vô hình rất lớn lên nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư không quen hoặc mới. Vì khi giao dịch liên tục, nhà đầu tư phải liên tục theo dõi, bám sát thông tin (bảng điện), tận dụng cả cơ hội nhỏ, ngắn khiến không thể rời mắt bảng điện, tạo áp lực, căng thẳng hơn. Nhà đầu tư nếu không kiểm soát được tâm lý và việc mua-bán liên tục dần tạo thói quen "nghiện giao dịch", thỏa mãn tâm lý nhưng thực tế hiệu quả giảm dần. Khi không kiểm soát được cảm xúc thì sẽ trở thành tác hại.

Đòn bẩy cao: Có thể giúp gia tăng lợi nhuận với số vốn ban đầu bỏ ra ít hơn. Tuy nhiên, có thể gây rủi ro hơn. Giao dịch 1 đồng và vay 1 đồng khác việc giao dịch 1 đồng nhưng vay 5 đồng như giao dịch phái sinh. Chỉ cần 1 biến động nhỏ của thị trường cơ sở có thể gây ra khoản lời/lỗ tiềm năng lớn hơn và nhà đầu tư khi bám sát bảng điện sẽ gặp căng thẳng hơn.

Mua bán 2 chiều: Cần thời gian để làm quen. Phần lớn nhà đầu tư tham gia sản phẩm phái sinh đều đã trải qua chứng khoán cơ sở, ít nhà đầu tư mới tham gia ngay thị trường này. Nhà đầu tư có kinh nghiệm trước kia chủ yếu quen với chiều lên nhưng khi tham gia thị trường phái sinh phải tập làm quen cả chiều xuống, có cái nhìn đa chiều hơn. Giai đoạn đầu khó cho nhà đầu tư vì chưa quen nhìn nhận cơ hội xuống, cần có thời gian làm quen cách quan sát thị trường, tư duy giao dịch…

Đây là 3 điểm khác biệt chính, từ điểm khác và lợi thế của chứng khoán phái sinh. Nhà đầu tư hồi hộp hơn vì liên tục bám sát bảng điện, rủi ro cao, kiểm soát tâm lý tốt. Như đã nói,  FT không phải là đánh bạc vì có 2 cái có thể giao dịch thành công đối với FT là (i) nắm bắt được xu hướng và (ii) kiểm soát được rủi ro và tâm lý giao dịch. Có những người rất giỏi nhưng không kiểm soát được cảm xúc thì cũng không thể tham gia thị trường này được. Có thể do kinh nghiệm nhưng cũng do cả tính cách và tố chất mỗi người. Ngoài kiến thức, cần cả sự cứng cáp, kiểm soát tâm lý, quản trị rủi ro.

Đang có cuộc canh tranh gay gắt giữa các công ty chứng khoán về phí giao dịch trên thị trường phái sinh để thu hút nhà đầu tư. Giao dịch Futures là cuộc chơi có tổng bằng 0, thậm chí là âm (vì có phí). Tuy nhiên câu chuyện chiến thắng trên thị trường này không chỉ là vấn đề giảm chi phí. Các công ty chứng khoán có nên đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư?

Tôi thừa nhận hợp đồng tương lai là trò chơi có tổng bằng 0 (zero-sum game). Phí là phần được lấy ra, phí càng nhiều thì giao dịch khả năng thắng càng thấp. Đó là lý do tại sao các công ty chứng khoán có phí bằng không sẽ thu hút được nhà đầu tư và chiếm thị phần lên đến 50%. Đây là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, giao dịch tương lai không phải cứ phí bằng 0 là thành công mà quan trọng là dự đoán đúng xu hướng và kiểm soát tâm lý. Dự đoán đúng xu hướng nếu do bản thân thì tốt nhưng nếu là nhà đầu tư mới cần kiến thức thì HSC luôn có các khóa đào tạo (cả trực tuyến và trực tiếp) giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về sản phẩm, cung cấp thông tin tư vấn, chiến lược, kết nối với cộng đồng, môi trường đầu tư để giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định giao dịch tốt nhất.  

Đối với giao dịch nhanh, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tâm lý, giảm lỗ cần đặt ra các ngưỡng chốt lời và cắt lỗ, nếu phải tự đặt, khi đến ngưỡng sẽ đôi lúc tâm lý cá nhân khiến nhà đầu tư không thực hiện ngay. Vì thế, cần có hệ thống giao dịch phái sinh hỗ trợ tốt nhất với các lệnh hỗ trợ sẽ giúp nhà đầu tư có kế hoạch chủ động, kiểm soát tâm lý tốt hơn. HSC đang làm tốt công tác tư vấn, đào tạo và  hoàn thiện hệ thống giao dịch tốt để giúp, hỗ trợ khách hàng dự đoán đúng xu hướng và kiểm soát tâm lý khi giao dịch.