“Các địa phương cần cân nhắc kỹ khi sử dụng các phần mềm như Zalo”
"Các địa phương cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm như Zalo trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin"
Thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đặt ra tại cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với 8 tỉnh, thành phố phía bắc về tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, tổ chức ngày 29/8 tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, các địa phương cho biết về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, ví dụ như việc chậm ban hành một số Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử cho cá nhân, tổ chức… Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ…
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc xây dựng Chính quyền điện tử phải tiếp cận trên cơ sở cải cách hành chính, công nghệ phục vụ cải cách; phải có đội ngũ cán bộ giỏi về công nghệ thông tin, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị.
Bộ trưởng cũng ghi nhận thực trạng hạ tầng công nghệ không đồng bộ giữa các địa phương, các phần mềm không ai giống ai, thậm chí ngay các sở ngành tại một địa phương cũng không kết nối được với nhau, dù vậy, theo Bộ trưởng vẫn có cách xử lý.
Ông Dũng đơn cử như Văn phòng Chính phủ không đầu tư mà theo hướng các doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê lại, không cần đầu tư, không cần biên chế.
Đáng chú ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cho biết, thời gian qua một số tỉnh đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính công trên ứng dụng Zalo trên nền tảng Internet, điều này cho phép người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.
"Tuy nhiên, các địa phương cần cân nhắc việc sử dụng các phần mềm trong cung cấp dịch vụ công, nhất là về vấn đề an ninh, an toàn thông tin", ông Dũng lưu ý tới các địa phương cân nhắc việc sử dụng phần mềm Zalo, đồng thời cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá lại các yếu tố an ninh, an toàn khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua ứng dụng Zalo.
Liên quan đến việc hợp tác giữa Zalo và các tỉnh thành, như một bài viết mới đây mà VnEconomy đăng tải, "mạng xã hội" Zalo của Công ty Cổ phần VNG đến thời điểm hiện tại đã hợp tác với trên 30 tỉnh thành trong việc triển khai mô hình hành chính công 4.0, nhằm cải cách hành chính và tương tác với người dân, xây dựng mô hình thành phố thông minh, cung cấp cho người dân tính năng kiểm tra tình trạng hồ sơ, góp ý với các cơ quan nhà nước hoặc cập nhật những thông tin, chính sách, dự thảo luật mới nhất…
Cũng liên quan đến "mạng xã hội" này, giữa tháng 7/2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM đã có văn bản đề nghị các bên đăng ký và quản lý tên miền thu hồi hai tên miền của Zalo là Zalo.vn và Zalo.me của Công ty Cổ phần VNG với lý do Zalo đã hoạt động mạng xã hội chưa phép.
Trước đó, năm 2018, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM cũng đã tiến hành ra văn bản xử phạt hành chính đối với hoạt động mạng xã hội không phép này của Zalo và Công ty VNG cũng đã nộp phạt.
Tại buộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 1/8, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục phát thanh - truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết Zalo đã nộp hồ sơ xin cấp phép mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc Zalo đã được cơ quan quản lý cấp phép mạng xã hội hay chưa.