16:49 13/07/2018

Các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới

Duyên Duyên

Cơ hội thăng tiến của phụ nữ trong xã hội đang bị hạn chế bởi rất nhiều nguyên nhân

Đầu tư vào phụ nữ giúp tăng 6 điểm phần trăm trong lợi nhuận ròng, tăng từ 0-30% tăng trưởng của doanh nghiệp, và lao động nữ có thể góp phần tăng 15% doanh thu.
Đầu tư vào phụ nữ giúp tăng 6 điểm phần trăm trong lợi nhuận ròng, tăng từ 0-30% tăng trưởng của doanh nghiệp, và lao động nữ có thể góp phần tăng 15% doanh thu.

Mặc dù tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp đại học ngang bằng với nam giới tuy nhiên sau tham gia vào các công việc có tính chất chuyên môn thì tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí cao lại không nhiều như nam giới. Từ đó, các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là nữ giới.

Tăng trưởng bình đẳng phụ nữ sẽ bổ sung 12.000 tỷ USD cho GDP

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam: "Phát triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng" sáng 13/7, ông Justin Baguley, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, đầu tư vào phụ nữ sẽ tốt cho cả doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Đầu tư vào phụ nữ là một nhân tố để tăng sức lao động và tăng trưởng kinh tế cho toàn cầu.

"Australia luôn coi bình đẳng giới là chính sách ưu tiên, nên chúng tôi luôn ủng hộ và hỗ trợ. Australia và Việt Nam cũng đã ký kết công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ, đây là điều đúng đắn, cần làm. Nghiên cứu cho thấy, tăng trưởng bình đẳng cho phụ nữ sẽ bổ sung thêm 12.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2025, hơn cả GDP của Trung Quốc. Đầu tư vào phụ nữ cũng giúp tăng 6 điểm phần trăm trong lợi nhuận ròng, tăng từ 0-30% tăng trưởng của doanh nghiệp, và lao động nữ có thể góp phần tăng 15% doanh thu", ông Justin Baguley cho biết.

Trong khi đó, bà Julia Newton-Howes, Dự án Investing in Women viện dẫn một số kết quả nghiên cứu cho thấy, doanh nghiệp có sự tham gia của phụ nữ thì kết quả hoạt động tốt hơn là những doanh nghiệp chỉ có nam giới. Bà cho rằng, phụ nữ sẽ mang lại sự năng động hơn, sáng tạo hơn.

"Ở Australia, có 65% phụ nữ tham gia lao động, còn ở Việt Nam là gần 75%, thể hiện những thành tựu bước đầu trong quá trình gia tăng bình đẳng giới. Tuy nhiên, cơ hội thăng tiến của phụ nữ trong xã hội lại đang là điều đáng buồn. Mặc dù tỷ lệ phụ nữ tốt nghiệp đại học ngang bằng với nam giới tuy nhiên sau tham gia vào các công việc có tính chất chuyên môn thì tỷ lệ phụ nữ đảm nhiệm các vị trí cao lại không nhiều như nam giới. Cho nên, các nền kinh tế đang bỏ lỡ rất nhiều tài năng lớn là phụ nữ", bà Julia Newton-Howes cho biết.

Đi tìm lời giải thích cho vấn đề này, bà Julia đã tiến hành phỏng vấn các lãnh đạo doanh nghiệp tại 51 quốc gia. Câu trả lời mà bà nhận được từ phía nam giới là họ cho rằng, không có đủ ứng viên nữ cho các vị trí lãnh đạo cấp cao. Còn câu trả lời từ phía nữ giới là họ nhận thấy các doanh nghiệp, các tổ chức còn sự thiên lệch góc nhìn về giới.

"Có nhiều nghiên cứu cho thấy, cần phải xử lý các vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, bản thân các doanh nghiệp để thúc đẩy được sự thay đổi trong văn hóa làm việc. Cùng với đó là thay đổi vai trò chuẩn mực xã hội về vấn đề này. Ở đâu đó vẫn có những cái nhìn mang tính định kiến về giới tính, như Tổng giám đốc của hãng hàng không Qatar nói rằng, công việc của ông ta phụ nữ khó có thể làm được.

Hay như ở Philipines, trong vòng 100 năm phụ nữ không được tham gia vào quân ngũ, cho đến cách đây 20 năm, họ mới thay đổi điều này và bây giờ họ đã nhận thấy phụ nữ tham gia vào quân ngũ đã mang lại hiệu quả rất tốt", bà Julia nói.

Bất bình đẳng giới ở Việt Nam đang thể hiện ở cơ hội thăng tiến

Đồng quan điểm với bà Julia, trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề "Tạo dựng và đảm bảo các giá trị bình đẳng ở nơi làm việc: Kinh nghiệm quốc tế và góc nhìn chính sách tại Việt Nam", các chuyên gia đều nhấn mạnh bình đẳng giới quyết định hiệu quả, chất lượng và tính bền vững của phát triển.

Tuy nhiên, một khảo sát nhỏ được thực hiện ngay tại hội thảo cho thấy, có 33% người tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, cơ hội thăng tiến chính là khía cạnh đang thể hiện sự bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Ngoài ra, có đến 33% số người nhận định, chênh lệch về tuổi nghỉ hưu chính là bất bình đẳng giới.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bày tỏ sự bất ngờ với kết quả này. Ông bình luận, đối với tuổi nghỉ hưu, chính sách nghỉ hưu là vấn đề mà bao lâu nay Việt Nam vẫn chưa giải quyết được. Còn với cơ hội thăng tiến, ông Thành cho biết, mặc dù rất nhiều phụ nữ nắm giữ các vị trí quan trọng trên thế giới, kể cả làm thủ tướng, tuy nhiên, một người bạn của ông đã cho rằng, điều này là không thực chất, chỉ là hình ảnh "làm màu", còn để người phụ nữ thực sự được bình đẳng là rất khó.

Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu Âu nhận định, chênh lệch tuổi nghỉ hưu chính là nguyên cớ để ngăn chặn cơ hội bình đẳng của người phụ nữ.

"Để phấn đấu lên chức vụ Vụ trưởng thì theo quy hoạch là 55 tuổi đối với nam và 50 tuổi đối với phụ nữ. Người phụ nữ mất 5 năm để sinh đẻ mà còn bị trừ mất 5 năm phấn đấu, vậy để làm được điều này thì người phụ nữ Việt Nam quả là phi phàm. Tại sao các chị em có khả năng, có tiềm năng làm lãnh đạo lại bắt họ phải nghỉ sớm? Đây chính là cản trở cơ hội thăng tiến của họ", bà Ninh nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng bổ sung thêm ý kiến của bà Ninh. Bà Hằng cho biết, thời gian lên tăng là 6 năm, tuy nhiên đối với người phụ nữ thì đầu tiên là bắt nghỉ hưu sớm, thứ hai là 2 năm sinh con thì không đủ năm lên lương. Từ đó, khi nam giới về hưu được hưởng bậc 7/7, còn phụ nữ về hưu thì chỉ được 5/7.

"Quy định về hưu như thế là bất bình đẳng, nhưng không chỉ thiệt cho phụ nữ mà còn thiệt cho tất cả của chúng ta. Mặc dù Luật pháp, chính sách luôn đảm bảo cho quyền lợi của người phụ nữ nhưng đi vào cuộc sống còn quá chậm", bà Hằng nói.

Một chủ đề thiết thực khác cũng được các chuyên gia "mổ xẻ" trong phiên thảo luận đầu tiên là tác động từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đến bình đẳng giới..

Bà Lệ Thị Nguyệt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cuộc Cách mạng 4.0 tạo ra thời cơ thuận lợi nhưng lại là thách thức lớn cho bình đẳng giới. "Khoa học kỹ thuật tiếp cận mọi mặt, nhưng tác động đến giới rất lớn, đặc biệt là lao động sản xuất ở doanh nghiệp, cơ hội việc làm cho nữ giới. Nếu không được trang bị đầy đủ về kỹ năng, kiến thức thì phụ nữ dễ bị phân biệt đối xử. Về mặt trách nhiệm, các cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách pháp luật để đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0", bà Nguyệt nói.

Trong khi đó, bà Elisa Fernandez Saenz, Đại diện UN Women tại Việt Nam nhận định, liên quan đến tác động của cách mạng 4.0 đến các lĩnh vực, đặc biệt là đối với phụ nữ thì cần phải nỗ lực giảm thiểu những góc nhìn chưa thỏa đáng về năng lực, kỹ năng của phụ nữ, vấn đề hưu trí và những rào cản phụ nữ tham gia vào lao động.

"Chúng ta thường nói gánh nặng của phụ khi tham gia vào nền kinh tế, chúng ta đã cố gắng tháo gỡ nó như cho phép người cha tham gia vào vấn đề sinh con, hay những biện pháp khuyến khích phụ nữ tham gia các công việc xã hội... là những giải pháp để tăng cường bình đẳng giới trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0", bà nói.

Đúc kết lại phiên thảo luận thứ nhất, bà Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra 4 vấn đề mà các chuyên gia đều thống nhất. Thứ nhất, bình đẳng giới quyết định hiệu quả, chất lượng và tính bền vững của phát triển. "Như bà Elisa Fernandez Saenz đã nói, bình đẳng giới là đầu tư bền vững, lâu dài, không chỉ được xem xét như là chi phí", bà viện dẫn.

Thứ hai, vai trò rất quan trọng của chính sách và biện pháp. Luật là quan trọng nhưng cái chưa được đẩy mạnh đúng hướng là các chính sách thích hợp, các biện pháp thực thi chủ trương. Đồng thời, phải tạo điều kiện cho phụ nữ có thể vươn lên như nam giới.

Thứ ba, cần phải giám sát vấn đề bình đẳng giới. Các diễn giải đều nhấn mạnh, vấn đề bình đẳng giới cần được nhận thức và tham gia đóng góp của tất cả các thành phần, các nhà làm chính sách, doanh nghiệp, các chủ thể cá nhân, người lao động. Bà Ninh bổ sung thêm vai trò của truyền thông, bởi các định kiến không thể được đẩy lùi nếu không có các chương trình truyền thông.

Cuối cùng, bà Ninh đề xuất cần có sự đánh giá khả năng cạnh tranh dựa trên khía cạnh bình đẳng giới. "Tại sao không có đánh giá các tỉnh thành trong việc áp dụng các chủ trương chính sách bình đẳng giới? Nếu có một quyết tâm chính trị thì cần phải như thế. Để phát triển thì không thể không có bình đẳng giới như một chiều kích, một sự phát triển cho mọi người và hội nhập", bà Ninh đúc kết lại.