Các thị trường mới nổi đang “lao đao” vì đồng USD tăng giá
“Thế giới có vẻ như vui hơn nhiều nếu đồng USD không tăng giá”, một chiến lược gia tiền tệ nhận định
Đợt tăng giá gần đây của đồng USD đang làm lộ ra những điểm yếu của nhiều nền kinh tế mới nổi, khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi những khoản đặt cược đã lâu vào cổ phiếu, trái phiếu và đồng tiền của các nền kinh tế này.
Ảnh hưởng lan rộng
Theo tờ Wall Street Journal, ảnh hưởng từ sự tăng giá của đồng USD đang lan rộng. Hôm thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Trung ương Indonesia có đợt tăng lãi suất đầu tiên trong 4 năm nhằm ngăn sự mất giá của đồng nội tệ Rupiah. Tuần trước, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông phải bán ra hàng tỷ USD ngoại tệ để giữ tỷ giá đồng Đôla Hồng Kông.
Hôm thứ Hai, đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ lập đáy mới so với đồng USD, trong khi đồng Real của Brazil đang ở vùng đáy của hơn 2 năm. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index của các thị trường chứng khoán mới nổi đã giảm 10,72% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 2. Chỉ số JPMorgan Emerging Market Bond Index đo giá trái phiếu của các quốc gia mới nổi đã giảm 5,47% từ mức đỉnh.
Trong mấy năm qua, giới đầu tư đã mua mạnh cổ phiếu và trái phiếu của các quốc gia mới nổi, không chú ý nhiều đến các yếu tố kinh tế vĩ mô hay chính trị, mà chỉ tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn so với mức lợi nhuận mà họ có thẻ có được tại các quốc gia phát triển.
Giờ đây, khi đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, những điểm yếu của các nền kinh tế mới nổi hiện rõ hơn trong mắt giới đầu tư. Đồng USD tăng giá đồng nghĩa với việc các nước mới nổi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc trả nợ vay bằng USD. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản khác.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức trên 3%, vùng cao nhất trong 7 năm.
"Các nhà đầu tư đang nhận ra rằng họ phải dành sự chú ý cho các yếu tố căn bản và đánh giá xem quốc gia nào dễ tổn thương nhất", ông Mark McCormick, trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối khu vực Bắc Mỹ của TD Securities, phát biểu.
Wall Street Journal cho biết các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại về những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Những nước này có sự phụ thuộc lớn vào nguồn vốn từ bên ngoài, nên rất dễ chịu tác động tiêu cực bởi sự tăng giá của đồng USD.
Argentina - quốc gia có đồng tiền và thị trường chứng khoán cùng sụt giảm chóng mặt trong mấy tuần gần đây vì lo ngại một cuộc khủng hoảng tài chính đang âm ỉ - hội tụ cả thâm hụt cán cân vãng lai lớn và thâm hụt tài khóa lớn.
Những quốc gia mới nổi khác có thâm hụt cán cân vãng lai lớn bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ - với mức thâm hụt 5,5% GDP vào thời điểm cuối năm 2017, Columbia, Nam Phi, Indonesia, Ấn Độ và Mexico.
Chính trị là một mối lo khác. Đồng Peso của Mexico, một đồng tiền tăng giá mạnh hàng đầu thế giới trong quý 1, đang chịu áp lực giảm bởi lo ngại xung quanh việc đàm phán lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) và cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra. Đồng Rúp Nga cũng mất giá cho dù giá dầu tăng thời gian gần đây, bởi các nhà đầu tư lo ngại về đợt lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Moscow.
"Lá chắn" tăng trưởng cao
Đồng USD tăng giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đã từng khiến giới đầu tư vào các thị trường mới nổi khốn đốn trước đây. Nhiều nước phát triển đã vay nợ nhiều bằng USD và neo tỷ giá đồng nội tệ vào đồng USD trong thập niên 1990.
Một đợt tăng giá mạnh của đồng USD khi đó đã buộc các nước này tăng mạnh lãi suất và đẩy tỷ giá đồng nội tệ lên mức thiếu bền vững, khiến xuất khẩu chịu thiệt hại, tăng trưởng kinh tế bị kéo tụt, và cuối cùng là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.
Sau đó, các nước đang phát triển đã nới lỏng việc neo buộc tỷ giá đồng nội tệ và tích lũy dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, vào năm 2013, các nước này một lần nữa "lao đao" khi đồng USD tăng giá mạnh sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu bắt đầu bán ra lượng trái phiếu khổng lồ được mua vào trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu trước đó.
Hiện nay, một số nền kinh tế mới nổi được bảo vệ phần nào bởi "lá chắn" là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trước đợt biến động hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 dự báo kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,4% trong năm nay, còn kinh tế Indonesia và Malaysia cùng tăng 5,3%.
Một số nước khác đã củng cố được nền tài chính của mình. Những nước như Nam Phi, Mexico và Brazil đã thu hẹp được thâm hụt cán cân vãng lai, một số khác đã hứa hoặc khởi động cải cách kinh tế, chính trị.
Tuy nhiên, như vậy có thể là chưa đủ. Trong khi các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh, nhiều nền kinh tế mới nổi khác còn chật vật: kinh tế Argentina được dự báo chỉ tăng 2% trong năm nay, Mexico 2%, Columbia 2,7%, Brazil 2,3% và Nam Phi 1,5%.
Đồng USD mạnh lên "đang làm chậm lại dòng vốn chảy quanh thế giới… Thế giới có vẻ như vui hơn nhiều nếu đồng USD không tăng giá", ông Kit Juckes, một chiến lược gia thuộc ngân hàng Pháp Societe Generale, nhận định.