08:00 10/11/2023

Cách các “big bank” JP Morgan, Citibank, Visa chuyển đổi số và bài học cho Việt Nam

Bảo Bình

"Trong thời đại công nghệ số, tài sản cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp có thể không còn nằm trong nội bộ của tổ chức; thay vào đó, chúng nằm trong một mạng lưới đối tác mà chúng ta cần thiết lập trong các mối quan hệ hợp tác kinh doanh”, Tiến sỹ David L. Rogers nói...

Hội thảo Quốc tế với chủ đề: “Digitalize to Revolutionize - Định hình nền kinh tế số tương lai” vừa diễn ra tại Hà Nội đã mang lại những bài học kinh nghiệm thực tế về chuyển đổi số từ chuyên gia hàng đầu thế giới.

Trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về cách thức chuyển đổi số của các ngân hàng lớn trên thế giới, cũng như bài học mà các ngân hàng tại Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng, ông David Rogers khẳng định mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức đều có khả năng chuyển đổi số. Khó khăn của chuyển đổi số không phụ thuộc vào việc doanh nghiệp, tổ chức đó ở quốc gia nào, là Việt Nam hay nước khác, nước phát triển hay các nước đang phát triển. 

Nói về các doanh nghiệp Việt Nam, ông David Rogers cho biết: “Tôi nhận thấy các công ty Việt Nam đang tập trung mạnh mẽ vào việc tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các công ty hiểu rằng nền kinh tế đang thực sự mở cửa và hội nhập với phần còn lại của thế giới”. 

“Tôi đã gặp gỡ và nghe lãnh đạo các cơ quan chính phủ Việt Nam và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu, rằng mục tiêu của Việt Nam không chỉ là trở thành một quốc gia tạo ra giá trị thông qua hàng hóa vật chất, khai thác nguyên liệu và sản xuất đơn giản mà còn bằng các dịch vụ có giá trị cao hơn. Vì vậy, tôi nghĩ đó chính là tham vọng, là tầm nhìn. Công nhận tầm quan trọng của đổi mới kỹ thuật số, các mô hình kinh doanh mới cũng như chất lượng nguồn nhân lực đều liên quan đến tầm nhìn đó”. 

JP MORGAN, CITIBANK, VISA ĐỀU THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THEO HAI CÁCH QUAN TRỌNG

“Khuyến khích nhiều hơn nữa sự liên kết, tương tác giữa các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, những doanh nghiệp đang hừng hực khí thế, tinh thần kinh doanh với các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn hơn đã thành lập lâu đời. Đó chính là bài học kinh nghiệm mà tôi đã thấy rất nhiều trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng ở những nơi khác trên thế giới”, ông David Rogers nói.

Những ngân hàng lớn như: JP Morgan, Citibank, Visa đều đang tìm cách thúc đẩy đổi mới sáng tạo theo hai cách quan trọng. Một là đổi mới trong hoạt động kinh doanh hiện tại của ngân hàng, có thể là mạng lưới thẻ tín dụng, có thể là mảng bảo hiểm, nhưng đồng thời các tổ chức tài chính này cũng đang tìm cách đổi mới ở bên ngoài các hoạt động ngân hàng, chẳng hạn như xem xét các vấn đề của khách hàng, giải quyết các nhu cầu mới của khách hàng. Các ngân hàng có thể tự giải quyết những vấn đề này, cũng có thể phải hợp tác với những đối tác khác. 

Tiến sỹ David Rogers (thứ hai từ trái qua), Tiến sỹ Sheena S. Iyengar (thứ ba từ trái qua) và Tiến sỹ Paul J. Bailo (ngoài cùng bên phải)
Tiến sỹ David Rogers (thứ hai từ trái qua), Tiến sỹ Sheena S. Iyengar (thứ ba từ trái qua) và Tiến sỹ Paul J. Bailo (ngoài cùng bên phải)

Điều khác biệt quan trọng nữa là các ngân hàng không cố gắng tự mình thúc đẩy tất cả sự đổi mới này. Mà một lần nữa, JPMorgan Chase, Citibank, MasterCard, những công ty này đều tập trung vào cách nuôi dưỡng và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp nổi bật, làm việc với họ, giúp họ mở rộng quy mô, phản biện cùng với họ.

Các ông lớn hiểu rằng họ không thu hút được tất cả sự đổi mới, nhưng họ có thể biến đổi tổ chức của mình và trở nên thích nghi tốt hơn nhiều. Họ sẽ không tự mình tìm ra tất cả các giải pháp, vì vậy họ tìm kiếm rất nhiều quan hệ đối tác. "Đó chính là những gì tôi đã thấy trong ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng ở các quốc gia khác. Và tôi khuyến khích các ngân hàng, tổ chức ở Việt Nam có cách tiếp cận tương tự", ông David Rogers cho biết.

"HÃY COI TRỌNG CÁC MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC"

Giáo sư Sheena S. Iyengar, một người nổi tiếng với nguyên lý sáng tạo không phải là thiên bẩm, nó là một kỹ năng, đề cập đến ý tưởng về việc các ngân hàng hoặc doanh nghiệp lớn kết hợp với nhau, tạo ra một vườn ươm như Y Combinator với những đơn vị cùng chí hướng, cung cấp nguồn tài trợ ban đầu cũng như các chương trình cố vấn cho nhiều doanh nhân mới khởi nghiệp. 

Trong khi đó, TS Paul J. Bailo, người đã từng làm việc với các khách hàng trong Fortune 500 như Goldman Sachs, Bank of America, AT&T, Apple, Google và nhiều công ty đầu ngành khác, cho biết MasterCard, Citibank và American Express đều có các nhóm đầu tư mạo hiểm gắn bó với các công ty khởi nghiệp. MasterCard đã mua một phòng thí nghiệm đổi mới ở Davos, họ xây dựng thêm hàng trăm cơ hội tiềm năng. 

Điều đó để nhấn mạnh rằng trong công cuộc chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, các tổ chức ngân hàng, tài chính lớn trên thế giới đã bắt tay, hợp tác và hỗ trợ các startup, tìm kiếm những cải tiến, ứng dụng các công nghệ mới như robot, AI.

Ngoài ra, rất nhiều ngân hàng có quan hệ đối tác với Viện công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology - MIT), Đại học Columbia, Đại học New York… Các ngân hàng tài trợ cho các trường Đại học để trở thành thành viên và họ có thể đi trước trong tìm kiếm các giải pháp hoặc dự đoán trước những điều sắp xảy ra. 

“Hãy coi trọng các mối quan hệ hợp tác này, điều đó quyết định phần lớn thành công của các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp, đối tác. Mối quan hệ hợp tác sẽ còn phát triển lâu dài”, TS Paul J. Bailo nói.

Hay như Tiến sỹ David Rogers đã nói: “Trong thời đại công nghệ số, tài sản cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp có thể không còn nằm trong nội bộ của tổ chức; thay vào đó, chúng nằm trong một mạng lưới đối tác mà chúng ta cần thiết lập trong các mối quan hệ hợp tác kinh doanh”.