Cải cách bộ máy: "Lấy đá ghè chân chính mình cũng phải làm"
Đã đến lúc người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh
"Cái bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay".
Đó là nhận định của một đại biểu tại phiên giám sát về bộ máy, biên chế tại Quốc hội, sáng 30/10.
Vượt ngưỡng ngân sách
Với 62 trang báo cáo của đoàn giám sát, theo nhiều đại biểu Quốc hội, thì chưa bao giờ bức tranh về bộ máy hành chính Nhà nước lại hiện ra toàn diện như thế.
Nhưng, sự toàn diện này cũng cho thấy quá nhiều nỗi lo khi mà bộ máy được cho là quá cồng kềnh.
Theo báo cáo của Chính phủ giai đoạn từ năm 2011 đến tháng 4/2015, tổng biên chế công chức cả nước vượt 1.047 người. Biên chế sự nghiệp vượt 11.635 người.
Hiện tại tổng số biên chế công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập là 2.372.379 người. Còn tính tổng số người hưởng lương trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người.
Vấn đề, theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), là trong đội ngũ đông đảo ấy có bao nhiêu phần trăm là không đủ phẩm chất trình độ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ công vụ, vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Do vậy, chưa tinh giảm được đúng đối tượng là người có đạo đức công vụ và trình độ năng lực yếu kém mà chủ yếu tập trung ở nhóm nghỉ hưu trước tuổi, theo báo cáo giám sát tỷ lệ này là 90%.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nhìn nhận, trước đây, nhiều đại biểu Quốc hội so sánh ngân sách Nhà nước như cái bánh, chia kiểu nào cũng không đủ, rất muốn tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển thì chi hành chính sự nghiệp lại thiếu nên cứ căn kéo mãi.
"Từ khi Đảng chủ trương đổi mới, việc gì Nhà nước ôm không nổi thì nên để xã hội chung lo. Tuy nhiên, sau 40 năm thống nhất đất nước, hơn 30 năm đổi mới toàn diện, nhưng cái bánh ngân sách dù cho có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó có thể bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay", đại biểu Sơn nhận xét.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng khái quát, điều kiện tiến hành cải cách là không thiếu khi chủ trương có, quyết tâm chính trị có, nền tảng pháp lý cũng có, thế nhưng bộ máy vẫn tiếp tục cồng kềnh, biên chế ngày càng phình to, ngân sách nuôi nó đã vượt ngưỡng giới hạn
Chữa nhà dột từ nóc
Vẫn đại biểu Phạm Trọng Nhân, thực tế đời sống đã đặt vấn đề: chúng ta tán dương hay thương cảm khi hình ảnh một vị phó chủ tịch quận phải thân chinh khắp các nẻo đường chỉ để dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè?
Đề cập đến "sự bất lực trong quản lý kỷ cương và vô trách nhiệm của chính quyền cơ sở", ông Nhân nói: "Lòng lề đường vỉa hè là vô tri vô giác, nhưng việc sử dụng trái phép triền miên như thách thức sự trì trệ của thể chế vốn được cho là đã đổi mới và hoàn thiện. Liệu đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng và người dân đang mong mỏi từ các cơ quan Nhà nước không? Câu trả lời chắc chắn là không".
"Vấn đề đặt ra là vì sao những vụ việc đó lại diễn biến như vậy khi thể chế cụ thể là Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ việc phân cấp, phân quyền hay còn sự thật nào đằng sau tất cả những điều nêu trên. Thiết nghĩ câu trả lời cần có trong giải pháp của báo cáo lần này", ông Nhân phát biểu.
Nhìn nhận việc cải cách bộ máy hành chính Nhà nước tưởng dễ, hóa ra lại quá khó, vị đại biểu Bình Dương cho rằng cái khó ở đây chủ yếu là lòng người. Nếu lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm vẫn còn quá lớn, lấn áp cả nhận thức và tư duy cũ kỹ lạc hậu thì cần thiết phải có một bàn tay sắt, đủ cứng rắn, như Đảng đã và đang làm trong phòng chống tham nhũng hiện nay.
"Tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng, thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này. Quốc hội hãy xem phụ lục 6 tại điểm 2 về những bất cập, hạn chế sẽ rõ chúng ta phải sửa chữa ngôi nhà dột từ nóc", ông Nhân phát biểu.
Nhấn mạnh quá trình để một ấu trùng hóa bướm phải trải qua nhiều giai đoạn rất đau đớn, song ông Nhân cho rằng trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Nhà nước dù phải lấy đá ghè chân chính mình thì cũng phải làm.
Vì đã đến lúc, theo đại biểu Nhân, người dân không thể mãi đóng thuế để cõng cả một bộ máy hành chính cồng kềnh nhưng kém hiệu quả, mà đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra.