09:10 06/08/2019

Cải thiện năng suất lao động để tránh nguy cơ “bị bỏ lại xa hơn”

vy vy

Chìa khoá để tăng trưởng GDP, tránh nguy cơ Việt Nam "bị bỏ lại xa hơn" với các quốc gia khác trên thế giới chính là cải thiện năng suất lao động

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khi tăng trưởng dựa vào tăng việc làm giản đơn không còn hiệu quả và thiếu tính bền vững, chìa khoá để tăng trưởng GDP, tránh nguy cơ Việt Nam "bị bỏ lại xa hơn" với các quốc gia khác trên thế giới chính là cải thiện năng suất lao động.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động đang là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Vì vậy, tìm cách nâng cao năng suất lao động đang là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam vốn có quy mô vừa và nhỏ.

Mức năng suất lao động vẫn thấp hơn so với khu vực

Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. 

Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. 

Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Có thể nói, năng suất lao động ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng năng suất lao động đạt 4,35%/năm, thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng năng suất lao động đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

"Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước", bà Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, Tổng cục Thống kê nhận định.

Tránh nguy cơ tụt hậu

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bà Oanh cho rằng, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đối với một quốc gia, tăng trưởng GDP nếu chỉ dựa trên tăng việc làm giản đơn, trình độ công nghệ và tay nghề lao động thấp thì thường không cao và thiếu bền vững. 

Trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động, tuy là thách thức lớn, nhất là đối với một nước mà đội ngũ lao động có tư duy nông nghiệp lâu đời và tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao như Việt Nam, nhưng đây lại là hướng đi có tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại và Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ngày càng phát triển, đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng cũng đưa đến nguy cơ Việt Nam dễ "bị bỏ lại xa hơn" các quốc gia trên thế giới nếu không có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả. Một trong những điểm nhấn căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt các yếu tố ảnh hưởng tới tăng năng suất lao động. "Quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN", ông Lâm nói.

Vì vậy, để tăng tốc phát triển, trở thành quốc gia thịnh vượng, người đứng đầu Tổng cục Thống kê cho rằng, giải pháp hàng đầu là về thể chế, chính sách. Trong đó, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động của Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực.

Phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế; chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử), một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình Thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Chọn một tháng trong năm là "Tháng Năng suất quốc gia" nhằm thúc đẩy phong trào tăng năng suất lao động, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng thuận của toàn xã hội đối với việc thúc đẩy tăng năng suất lao động.