Cấm "cài người" giữa các ngân hàng qua sở hữu
Ngân hàng Nhà nước chặn tình trạng cài chéo nhân sự lãnh đạo giữa các ngân hàng qua sở hữu
Như VnEconomy đề cập ở bản tin trước, bên cạnh việc chặn hoạt động cho vay mua cổ phiếu ngân hàng, Thông tư 19 Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành còn có quy định đáng chú ý về việc đề cử nhân sự cao cấp.
Đây là một bước tiến nữa về mặt pháp lý, nhằm hạn chế tình trạng thâu tóm, chi phối ngân hàng qua sở hữu chéo.
Cụ thể, Thông tư 19 đã sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 điều 20 của Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trực tiếp quy định về việc đề cử nhân sự giữa các ngân hàng.
Quy định mới nêu rõ: "Ngân hàng thương mại không được đề cử người tham gia hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại là tổ chức tín dụng hỗ trợ được chỉ định tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt".
Với quy định trên, Ngân hàng Nhà nước đã tạo thêm chốt chặn mới, hạn chế tình trạng xáo trộn nhân sự cao cấp, mà qua đó có thể ảnh hưởng không tốt tới hoạt động ngân hàng thương mại qua sở hữu, và cả tình huống qua sở hữu cổ phần để "cài người" vào thâu tóm hoặc chi phối…
Những năm qua, trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam có một số trường hợp ngân hàng A mua cổ phần ngân hàng B và cử người đại diện phần vốn, tham gia quản trị, điều hành, gắn với những xáo trộn sau đó mà Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc chấn chỉnh.
Ngoài ra, cũng trong Thông tư 19, cùng với việc không cho phép cho vay vốn để mua cổ phiếu ngân hàng, một quy định khác cũng bổ sung cụ thể: "Trường hợp ngân hàng thương mại bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngân hàng thương mại chỉ được chuyển quyền sở hữu đối với số cổ phần tương ứng với số tiền đã được bên nhận chuyển nhượng thanh toán".
Quy định trên nhằm khắc phục tình trạng vay nợ gián tiếp (qua trả chậm) để có sở hữu lớn tại ngân hàng, và thực tế đã có trường hợp dùng cách này để vào tham gia quản trị, điều hành ngân hàng thương mại khi năng lực tài chính chưa đảm bảo.