18:33 16/04/2021

Cần cải cách đột phá để thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới

Anh Nhi

Nếu trừ đi dự án "tỷ đô" được cấp phép trong tháng 3/2021, thu hút vốn FDI sẽ không bật tăng mạnh mẽ. Tiềm năng thu hút FDI ở phân khúc cao là rất lớn nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khai phá ban đầu

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE)

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng dự báo triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  năm nay chưa thể lạc quan khi vẫn còn những dự án quy mô nhỏ, thậm chí là "li ti".

Thưa ông, không chỉ những dự án FDI có quy mô 1-2 triệu USD/dự án mà thời gian gần đây còn xuất hiện những dự án có quy mô "li ti", chỉ vài trăm nghìn USD, ở ngay cả những đầu tàu trong thu hút FDI. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Sự gia tăng của những dự án quy mô nhỏ đã được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Nhưng những dự án "li ti" phải được nhìn nhận dưới góc độ khác. Chẳng hạn, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với gần 9.100 dự án còn hiệu lực với tổng mức đầu tư hơn 71,5 tỷ USD.

Điều này cho thấy "phổ dự án" đầu tư của Hàn Quốc là rất lớn, bên cạnh những dự án hàng chục tỷ USD như Samsung, LG... còn có rất nhiều dự án có quy mô rất nhỏ được đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đa phần những dự án này đều thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, môi trường sống ổn định và thuận lợi, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc. Rất nhiều nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp của Hàn Quốc sau khi hết nhiệm kỳ công tác đã quay trở lại Việt Nam để mở các công ty dịch vụ cung cấp tư vấn về chính sách đầu tư thuế, kết nối kinh doanh... cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc. Điều này cho thấy nhà đầu tư Hàn Quốc có ý định sinh sống và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

Cùng với sự gia tăng những dự án "li ti", thu hút FDI trong ba tháng đầu năm 2021 vẫn bật tăng mạnh mẽ. Ông nghĩ rằng điều này sẽ tiếp tục duy trì trong những tháng tới?

Con số thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm nay mà Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố vẫn chưa nói lên nhiều điều. Bởi nếu trừ đi dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD được cấp phép trong tháng 3/2021 tại Long An, thu hút FDI trong ba tháng đầu năm thậm chí còn giảm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, chúng ta chưa thể hoàn toàn lạc quan về kết quả thu hút FDI vào Việt Nam trong những tháng tới.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển hướng thu hút đầu tư, tập trung vào dòng vốn FDI đến từ lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn hay từ những tập đoàn đa quốc gia...

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo tinh thần này, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chương trình hành động và giải pháp thực hiện như cải thiện môi trường đầu tư, thành lập Tổ công tác thu hút FDI... để thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, đón làn sóng FDI thế hệ mới.

Tuy vậy, đến thời điểm này, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Làn sóng FDI chất lượng cao từ EU chưa chảy mạnh vào Việt Nam. Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) vẫn chưa có hiệu lực khi nhiều quốc gia thuộc EU chưa phê chuẩn và vẫn trong giai đoạn chuẩn bị. Một số tập đoàn kinh tế hàng đầu đã đến khảo sát song vẫn chưa ra quyết định đầu tư. Tiềm năng thu hút FDI ở phân khúc cao là rất lớn nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn khai phá ban đầu.

Vậy theo ông, đâu là những thách thức trong thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao?

Trước mắt, chúng ta có lợi thế trong kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế. Việc ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mang lại nhiều cơ hội trong thu hút FDI từ nước ngoài. Nhưng không phải Việt Nam không có thách thức.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong thu hút FDI chất lượng cao. Với quy mô GDP gấp ba lần, Indonesia sẽ là điểm đến khiến nhà đầu tư nước ngoài lưu tâm. Trong khi đó, với việc sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao và có tay nghề, Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới – cũng là thị trường hút các tập đoàn công nghệ.

Vì thế, trong thời gian tới, ngoài cải thiện môi trường đầu tư, sửa đổi, bổ sung một số chính sách mới cho phù hợp với bối cảnh, Việt Nam cần phải có những động thái mạnh mẽ để tạo ra sự đột phá trong thu hút FDI.

Cụ thể, đó là những đột phá nào, thưa ông?

Theo tôi, Việt Nam cần tập trung vào ba điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ.

Muốn thu hút FDI, chúng ta phải sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án "khủng". Tuy vậy, Hà Nội, Tp.HCM lại đang khó khăn về quỹ đất nên cũng hạn chế rất lớn trong thu hút FDI. Điều này thể hiện rất rõ ở quy mô dự án ở hai thành phố này, đặc biệt là Hà Nội.

Nhưng điều đáng lưu ý vào lúc này là tình trạng sốt đất khu công nghiệp. Điều này sẽ làm nhà đầu tư nước ngoài lo lắng vì khoảng chênh lệch giữa giá khảo sát với giá thực tế khi triển khai dự án sẽ bị nới rộng. Do đó, sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, chúng ta phải tính tới việc giữ ổn định giá đất khu công nghiệp trong giai đoạn ít nhất từ 3-5 năm để đảm bảo hoàn tất cho một thương vụ đầu tư. Thông thường, từ giai đoạn nghiên cứu, khảo sát tới đầu tư cũng mất khá nhiều thời gian.

Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics bất hợp lý. Hiện nay, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao trong khu vực Đông Nam Á, các khâu vận chuyển, đóng gói, làm thủ tục... tại Việt Nam vừa đắt đỏ hơn, vừa chậm trễ hơn so với vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Những điều này phải nhanh chóng được khắc phục nếu muốn đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, theo tôi là phải sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao khi đây là điểm yếu của Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh. Chúng ta đã có những chủ trương tốt như đào tạo lao động theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nâng cấp hệ thống giáo dục... nhằm phát triển nguồn nhân lực.

Song, so với yêu cầu của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta vẫn thiếu đội ngũ kỹ sư giỏi, cán bộ giỏi và chuyên gia giỏi.

Và cuối cùng, để "hoà nhập" vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI, chúng ta phải có loạt doanh nghiệp đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài.

Không đáp ứng được yêu cầu nên nhà đầu tư nước ngoài đã kéo doanh nghiệp từ bản địa hoặc từ quốc gia thứ ba sang Việt Nam hoặc thậm chí từ quốc gia khác nhảy vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam. Đây là bất lợi đối với doanh nghiệp Việt. Điều này dẫn đến hiệu quả thu hút FDI sẽ thấp vì giá trị gia tăng không cao. Nhà đầu tư chỉ tập trung tận dụng môi trường đầu tư của Việt Nam để thu lợi thay vì những giá trị gia tăng khác.