11:58 04/12/2017

Cần phải luật hóa quy định về thẩm định dự án đầu tư công trong giao thông

Đặng Hương

Luật Đầu tư công 2014 có quy định về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội dự án nhưng lại không cụ thể hóa phương pháp, tiêu chí đánh giá

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552 triệu USD vào năm 2008. Đến 2016, dự án được điều chỉnh lên 868 triệu USD (tăng 315 triệu).
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552 triệu USD vào năm 2008. Đến 2016, dự án được điều chỉnh lên 868 triệu USD (tăng 315 triệu).

Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc phải xem lại công tác thẩm định dự án đầu tư công trong lĩnh vực giao thông của Việt Nam khi rất nhiều dự án được thực hiện trong thời gian qua có hiệu quả không cao, gây lãng phí nguồn lực và bị chi phối bởi nhóm lợi ích.

Nhìn lại hàng loạt dự án có trị giá hàng nghìn tỷ có tiến độ "rùa bò" và đang bị đội vốn, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, GS.TSKH Lã Ngọc Khuê cho rằng thẩm định dự án đầu tư công của Việt Nam đang có nhiều vấn đề.

Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá

Vấn đề được ông Khuê đề cập đó là "không ai quản". "Một dự án ban đầu có vốn dự kiến là 17.000 tỷ đồng nhưng hiện giờ vốn bị đội lên 47.000 tỷ đồng; hay từ  21.000 tỷ đồng ban đầu lên 56.000 tỷ đồng... Đều là đại dự án mà hình như không ai quản điều này", ông Khuê dẫn chứng.

Vị chuyên gia này cho rằng, với những đại dự án kiểu như vậy, dao động vốn là điều tất nhiên nhưng phải nằm trong biên độ nào đó và có cơ sở, tiêu chuẩn cho phép chứ không thể "vụt" lên mức cao như vậy được. Nhưng ở nhiều trường hợp, dự án bị đẩy lên như vậy, cũng không thấy có tính toán, thẩm định nào cho sự đội vốn khủng khiếp được thông tin cụ thể ra bên ngoài.

Còn theo ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, Việt Nam hiện nay đang có một trục trặc lớn kể từ khi đổi mới đến nay. Đó là tiền đầu tư cơ sở hạ tầng rất nhiều nhưng hạ tầng đường bộ Bắc - Nam của Việt Nam vẫn bị đánh giá kém về chất lượng, chi phí logistics của Việt Nam vẫn thuộc diện cao trong khu vực. Nguyên nhân khiến những khoản đầu tư khổng lồ dành hàng trăm km đường bộ ở các tỉnh khác không hiệu quả là do cách làm thẩm định đầu tư công của Việt Nam hiện nay. 

Ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) lại cho biết, mặc dù phương pháp phân tích lợi ích – chi phí (CBA) là công cụ được các nước phát triển OECD áp dụng trong quản lý dự án đầu tư công khá hiệu quả nhưng ở Việt Nam, việc áp dụng phương pháp này vẫn còn mang nặng tính hình thức và còn nhiều rào cản.

Ông Thắng cho biết, hiện chưa có quy định pháp lý cụ thể bắt buộc thực hiện thẩm định, tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Luật Đầu tư công 2014 có quy định về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội dự án nhưng lại không cụ thể hóa phương pháp, tiêu chí đánh giá.

Ràng buộc trách nhiệm

Vì vậy, theo ông Thắng, để thúc đẩy tính hiệu quả của các dự án đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, cần phải đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng ở tất cả các khâu thẩm định dự án của vòng đời dự án từ đề xuất, nghiên cứu tiền khả thi, thi công, xây dựng, vận hành...

Đó là việc xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia trong đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án đầu tư công bao gồm cả tỷ suất chiết khấu, khung thời gian đánh giá dự án, chỉ tiêu để loại bỏ/chấp nhận dự án như tỷ số B/C, tỷ suất nội hoàn IR, giá trị ròng hiện tại NPV. "Trong đó, từng bước của dự án đều phải chứng minh được tính kinh tế-xã hội của mình", ông Thắng nhấn mạnh. "Và đặc biệt là phải luật hoá được điều này".

Tuy vậy, vị đại diện đến từ CIEM cũng lưu ý rằng, thẩm định dự án không nên gây áp lực cho nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, do đó, cần tới một cơ quan thẩm định đầu tư có chuyên môn cao và đặc biệt là độc lập với các bên tham gia.

Đồng tình với quan điểm này, ông Khuê cho rằng, một cơ quan thẩm định đầu tư độc lập là điều rất cần thiết lúc này đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông của Việt Nam.

Sự mạnh mẽ của Bộ Khoa học và Đào tạo với việc đưa vào cơ quan thẩm định độc lập của nước ngoài trong một dự án hạ tầng mới đây, hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư đã được cắt bớt, điều này đem lại nhiều lợi ích cho cả nền kinh tế cũng như người dân.

GS.Lê Xuân Bá , nguyên Viện trưởng CIEM thì cho rằng, CBA là mô hình quan trọng, nhưng quan trọng hơn trong việc nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công là nâng cao trách nhiệm. "Trách nhiệm càng lớn thì cần phải có chế tài giám sát nghiêm. Chế tài phải sòng phẳng".

CBA là phương pháp được chuẩn hoá dựa trên việc tiền tệ hóa các lợi ích và chi phí của dự án đầu tư công. Theo đó, CBA đưa ra 3 bước chính gồm: xác định các chi phí và lợi ích của dự án; lượng hóa và tiền tệ hóa các lợi ích và chi phí của dự án và so sánh tổng lợi ích và tổng chi phí.