12:14 04/07/2019

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Nhiều nội dung vẫn chỉ là sửa câu chữ

KIỀU LINH

Trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%

Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chỉ là sửa câu chữ.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn chỉ là sửa câu chữ.

Báo cáo Chính phủ về đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động trực tiếp đối với doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có những bộ sửa đổi điều kiện kinh doanh có thể chỉ là sửa câu chữ, cách diễn đạt.

Đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã thực hiện rà soát độc lập về điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành. Kết quả cho thấy, trung bình, tỷ lệ bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt 32%. 

Kết quả trung bình này không tính số liệu trong lĩnh vực ngân hàng do đây là ngành đặc thù, điều kiện kinh doanh khó cắt giảm theo mục tiêu 50% do yêu cầu đảm bảo an toàn tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Hai bộ đạt vượt mức yêu cầu, gồm: Nông nghiệp phát triển nông thôn (73%); Y tế (55%); hai bộ về cơ bản đạt yêu cầu, gồm: Công thương (47%); Xây dựng (44%); ba bộ có kết quả bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh đạt từ 31-40%, gồm: Lao động thương binh xã hội (40%); Tài nguyên môi trường (38%); Giao thông Vận tải (36%).

Năm bộ đạt kết quả từ 11-30%, gồm: Khoa học và Công nghệ (26%); Văn Hoá thể - Thao du lịch và Tài chính (cùng đạt 20%); Giáo dục và Đào tạo (18%); Thông tin và Truyền thông (14%); Hai bộ đạt kết quả dưới 10%, gồm: Tư pháp (6%); Quốc phòng (4%).

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tính tới "điều kiện kinh doanh con - cấp độ cành", chứ chưa bao quát được đến hết tới "điều kiện kinh doanh cháu, chắt,… - cấp độ lá". 

Có trường hợp, một số bộ chỉ rà soát điều kiện kinh doanh ở cấp độ chung chứ chưa rà soát tới điều kiện kinh doanh con, cháu, chắt. Một số rất ít bộ rà soát sâu tới cấp độ cháu, chắt. Đa số các bộ, ngành rà soát tới điều kiện kinh doanh con (cấp độ cành) như cách rà soát của Viện.

"Mặt khác, trong phương pháp kiểm đếm của một số bộ thì điều kiện kinh doanh sửa đổi có thể chỉ là sửa câu chữ, cách diễn đạt, hoặc không tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp,… nhưng vẫn được tính vào tỷ lệ điều kiện kinh doanh bãi bỏ, đơn giản hoá", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa được hiện thực hoá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho hay, có những bộ chưa đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Bên cạnh đó, hầu hết các bộ chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa giám sát quá trình thực thi những cải cách này. 

Qua hoạt động khảo sát thực tế, hầu hết các sở, ngành ở địa phương đều lúng túng, không biết thông tin khi được hỏi về những cải cách điều kiện kinh doanh. 

Kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI cho thấy điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh dường như chưa được hiện thực hoá ở cấp độ thực thi. 

Do đó, các bộ, ngành cần ưu tiên thực hiện ngay các hoạt động hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực thi để đảm bảo các cải cách về điều kiện kinh doanh được thực hiện đầy đủ, doanh nghiệp ghi nhận sự thay đổi tích cực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, giám sát sát sao việc triển khai thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh đã được ban hành; đảm bảo thực thi nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp thực thi.

Các bộ, ngành đăng tải đầy đủ các điều kiện kinh doanh hiện hành thuộc lĩnh vực quản lý trên trang thông tin điện tử của bộ, ngành (hoàn thành trước 10/7/2019). Tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi.

Đề xuất và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện các cải cách về điều kiện kinh doanh để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp.