13:15 27/02/2024

CEO JPMorgan Chase: Thị trường đang quá lạc quan về “hạ cánh mềm”

Điệp Vũ

Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho rằng khả năng kinh tế Mỹ sắp rơi vào một cuộc suy thoái là hơn 50%, nhưng trước mắt chưa xuất hiện những vấn đề mang tính hệ thống...

CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.
CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.

Phát biểu tại một hội thảo do JPMorgan Chase tổ chức ở Miami vào hôm thứ Hai, người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản nói rằng thị trường có lẽ chưa tính hết một khả năng đủ lớn rằng lãi suất có thể giữ cao hơn lâu hơn.

Ông Dimon nhận định “có những điều đáng lo ngại ở ngoài kia” và ông không đồng ý với mức độ xác suất cao cho là nền kinh tế sẽ không xảy ra suy thoái. “Thị trường đang định giá tài sản dựa trên quan điểm cho rằng nền kinh tế sẽ có một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng. Điều đó có thể trở thành hiện thực lắm chứ. Tỷ lệ cược của thị trường vào kịch bản hạ cánh mềm là 70-80%. Nhưng tôi chỉ cho rằng xác suất đó là một nửa thôi”, ông nói.

Nhận định này của vị CEO được đưa ra khi thị trường tài chính vốn đang phải điều chỉnh kỳ vọng của về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vào đầu năm, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai dự đoán khả năng cao sẽ Fed sẽ khởi động một loạt đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ bắt đầu từ tháng 3. Nhưng giờ đây họ nhận thấy việc nới lỏng sẽ không bắt đầu trước tháng tháng 6 hoặc tháng 7, và cả năm sẽ chỉ có 3 lần cắt giảm lãi suất - bằng một nửa so với kỳ vọng vào đầu năm.

Song song với lãi suất tăng cao, giới đầu tư còn phải đối mặt với việc Fed bán bớt lượng trái phiếu trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này - một quá trình được gọi là thắt chặt định lượng (QT). Mặc dù Fed dự kiến sẽ sớm thu hẹp QT, nhưng đây vẫn là một phần trong chính sách tiền tệ thắt chặt bên cạnh việc tăng lãi suất và duy trì lãi suất ở mức cao.

“Việc chỉ nhìn vào năm luôn là một sai lầm. Tất cả những yếu tố mà chúng ta đã nói đến: QT, thâm hụt ngân sách liên bang, căng thẳng địa chính trị, những thứ đó có thể diễn ra trong nhiều năm. Nhưng tất cả đều ảnh hưởng đến các đánh giá của tôi và tôi cảm thấy thận trọng về tất cả mọi thứ”, ông Dimon nói.

Tuy nhiên, vị CEO không cho là sẽ tái diễn những đợt suy thoái nghiêm trọng khác mà nền kinh tế Mỹ đã phải trải qua trước đây, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - khoảng thời gian thị trường tài chính ​​Phố Wall lao dốc khi các ngân hàng hứng chịu hậu quả nặng nề từ sự sụp đổ của lĩnh vực cho vay thế chấp nhà dưới chuẩn.

Ông Dimon cho rằng lãi suất cao hơn cùng với suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực như bất động sản thương mại và các ngân hàng khu vực, nhưng chỉ với tác động kinh tế vĩ mô ở mức độ hạn chế.

“Nếu suy thoái xảy ra, tình hình chắc chắn sẽ trở nên tồi tệ hơn. Nếu không có suy thoái, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều có thể vượt qua được những khó khăn này. Một phần của việc này chỉ là một quá trình bình thường hóa. Lãi suất vốn dĩ đã ở mức quá thấp trong một thời gian dài. Nếu lãi suất tăng và kinh tế suy thoái, sẽ xảy ra vấn đề về bất động sản, và một số ngân hàng sẽ gặp vấn đề về bất động sản lớn hơn nhiều so với những ngân hàng khác”, ông Dimon phát biểu.

Đối với các ngân hàng khu vực ở Mỹ, ông Dimon cho rằng các vấn đề mà những nhà băng như Sillicon Valley Bank hay New York Commodity Bank gặp phải chỉ mang tính cá biệt, và cho rằng tín dụng tư nhân có thể bị ảnh hưởng bởi những sự cố như vậy nhưng không phải ở cấp độ hệ thống.