Chân dung cựu bác sĩ nhập cư thành tỷ phú hàng đầu tại Los Angeles
Patrick Soon-Shiong, từng là một bác sĩ gốc Trung Quốc nhập cư vào Mỹ, hiện sở hữu tài sản ước tính 7,8 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes
Sau gần hai thập kỷ thuộc sở hữu của bên ngoài, tờ Los Angeles Times một lần rơi vào tay một cư dân Los Angeles - tỷ phú nhập cư gốc Trung Quốc với hành trình lập nghiệp đầy tham vọng và ấn tượng.
Cựu bác sĩ lấn sân sang kinh doanh
Patrick Soon-Shiong, sinh năm 1952, từng là một bác sĩ trước khi trở thành doanh nhân, sinh ra tại Nam Phi trong một gia đình người Trung Quốc, cha ông là thầy thuốc đông y.
Mới đây, ông mới đạt được thỏa thuận mua lại tờ Los Angeles Times và San Diego Union-Tribune - thương vụ chấn động giới truyền thông tại Nam California, đồng thời mở rộng địa bàn kinh doanh Soon-Shiong.
Với tài sản ước tính 7,8 tỷ USD theo thống kê của tạp chí Forbes, Soon-Shiong được kỳ vọng sẽ thay đổi tờ Los Angeles Times vốn đã phải cắt một nửa phòng tin trong bối cảnh doanh thu quảng cáo sụt giảm và chìm trong khủng hoảng suốt hơn một thập kỷ dưới sự quản lý của Tronc Inc.
Soon-Shiong bắt đầu đầu tư vào Tronc từ năm 2016. Lúc rót khoản vốn đầu tiên vào đây, ông nói rằng muốn "lưu giữ trọn vẹn" ấn phẩm này. Nhiều năm qua, Soon-Shiong là một trong vài tỷ phú địa phương, gồm Eli Broad, David Geffen và Ron Burkle, được cho là có quan tâm tới việc thâu tóm tờ báo này.
So với Broad và Geffen, Soon-Shiong ít nổi tiếng hơn. Hoạt động kinh doanh của ông chủ yếu tập trung vào lĩnh vực y tế và kỹ thuật.
Năm 2009, Soon-Shiong đưa ra kế hoạch cải tổ hệ thống y tế quốc gia bằng cách kết nối các bác sĩ, bệnh viện và công ty bảo hiểm thông qua một mạng lưới cáp quang siêu tốc, siêu máy tính và nền tảng được gọi là "cơ sở dữ liệu trải nghiệm".
Cùng năm, ông cam kết dành 100 triệu USD cho bệnh viện St. John's Hospital tại Santa Monica. Sau đó, ông thực hiện một cam kết hỗ trợ tài chính nhằm giúp mở cửa lại bệnh viện Martin Luther King Jr. Community. Ông cùng vợ - Michele Chan, hiện điều hành Tổ chức Chan Soon-Shiong Family Foundationn.
Tháng 7/2017, Soon-Shiong tuyên bố công ty NantWorks của ông sẽ nắm quyền vận hành 6 bệnh viện tại California, bao gồm Trung tâm y tế St. Vincent gần trung tâm Los Angeles và Trung tâm y tế St. Francis ở Lynwood.
Soon-Shiong mua lại công ty mẹ của tờ The Los Angeles Times vào năm 2016 trong bối cảnh có nguy cơ bị thâu tóm bởi đối thủ Gannett Co. Khoản đầu tư 70,5 triệu USD của ông đã giúp Tronc cạnh tranh với Gannett.
Việc sở hữu hãng truyền thông lớn nhất Los Angeles sẽ bổ sung thêm vào danh mục kinh doanh của Soon-Shiong - bao gồm mạng lưới công ty nghiên cứu y tế do ông thành lập để "tìm cách chữa ung thư" - đây cũng là mục tiêu tham vọng của doanh nhân từng hành nghề bác sĩ này.
"Ông trùm" bệnh viện tại Los Angeles
Soon-Shiong sinh năm 1952 tại Port Elizabeth, Nam Phi. Gia đình ông rời khỏi Trung Quốc trong Thế chiến thứ 2. Ông tốt nghiệp trung học năm 16 tuổi và trở thành bác sĩ ở tuổi 23.
Soon-Shiong có bằng cử nhân y của trường Đại học Witwatersrand, nơi mà vào cuối những năm 1970 ông đã chữa trị cho những người bị thương trong cuộc nổi loạn đẫm máu Soweto ở Nam Phi.
Sau khi tốt nghiệp, ông thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Johannesburg - nơi chưa từng nhận một sinh viên Trung Quốc trước đó.
Vào thời điểm các đồng nghiệp khác rời khỏi Nam Phi, ông tham gia một chương trình nội trú với Đại học British Columbia, Canada. Tại đây, ông gặp bà Chan - người đang làm việc cho hãng truyền hình Canadian Broadcasting Corp. Sau đó, ông cùng vợ tương lai chuyển tới Mỹ - nơi Chan tham gia diễn xuất trong một số bộ phim.
Năm 1983, ông gia nhập trường Y của Đại California, Los Angeles (UCLA) với vai trò trợ lý giáo sư tại khoa giải phẫu tiêu hóa. Sau đó, ông trở thành giám đốc chương trình cấy ghép tuyến tụy của trường.
Sau khi phát triển phương pháp điều trị tiểu đường bằng cách cấy ghép tế bào sản sinh insulin vào tuyến tụy của một bệnh nhân, Soon-Shiong rời UCLA và thành lập công ty nghiên cứu y học của riêng mình vào năm 1991.
Cuối những năm 1990, ông mở rộng nghiên cứu sang các phương pháp điều trị ung thư, phát triển thuốc điều trị không chỉ bệnh tiểu đường mà còn cả ung thư vú. Trong đó, thuốc Abraxane do công ty phát triển đã giúp ông trở thành tỷ phú. Năm 2010, ông bán công ty đã phát triển thuốc Abraxane cho Celgene với giá 2,9 tỷ USD.
Soon-Shiong cũng xây dựng và bán một công ty dược khác - nhà sản xuất thuốc gốc APP Pharmaceuticals cho công ty Đức Fresenius với giá 4,6 tỷ USD.
Năm 2016, ông thành lập Cancer MoonShot 2020 - tổ chức hợp tác giữa các công ty, bác sĩ và nhà nghiên cứu với mục tiêu chinh phục bệnh ung thư chỉ trong 4 năm. Tổ chức sau đó đổi tên thành Cancer Breakthroughs 2020.