10:33 09/03/2018

Chân dung người bạn học sẽ giúp ông Tập Cận Bình chèo lái kinh tế Trung Quốc

An Huy

Một nền tảng quan trọng cho quyền lực của ông Lưu Hạc là mối quan hệ lâu năm với ông Tập Cận Bình

Một số nguồn tin nói rằng ông Lưu là một người quả quyết. Ông từng lên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2016 để chỉ trích mạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua vay nợ quá nhiều - Ảnh: Reuters/WSJ.
Một số nguồn tin nói rằng ông Lưu là một người quả quyết. Ông từng lên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2016 để chỉ trích mạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua vay nợ quá nhiều - Ảnh: Reuters/WSJ.

Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trực tiếp nắm kiểm soát kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ kế tiếp, ông Tập có thể giao nhiệm vụ chèo lái nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cho một nhân vật thân tín vốn là bạn học của ông thời cấp hai.

Theo đề xuất thay đổi hiến pháp được Trung Quốc công bố vào tuần trước, nước này sẽ bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm, đối với người nắm giữ cương vị Chủ tịch nước. Động thái này, dù còn chờ được Quốc hội thông qua, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền qua năm 2023.

Nguồn tin là quan chức tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc tiết lộ với tờ Wall Street Journal rằng đề xuất thay đổi hiến pháp nói trên cũng đồng nghĩa với việc đội ngũ thân tín của ông Tập sẽ gia tăng ảnh hưởng. 

Trong đó, ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Tập, có thể sẽ được bổ nhiệm vào cương vị Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế quan trọng, bao gồm hệ thống tài chính và mảng công nghiệp.

Ở cương vị như vậy, nhiệm vụ của ông Lưu sẽ bao gồm giám sát các cơ quan điều tiết, bao gồm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). "Ông ấy sẽ là người siêu giám sát", một quan chức cấp cao Trung Quốc nói.

Hiện ông Lưu đang có mặt ở Washington để có các cuộc gặp về vấn đề thương mại với quan chức Mỹ. Nguồn thạo tin nói chuyến đi này nhằm mục đích thuyết phục chính quyền Tổng thống Donald Trump tái khởi động đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Trong nước, ông Lưu, 66 tuổi, sẽ đối mặt với thách thức lớn nhất là cải tổ hệ thống tài chính mà vẫn giữ được lời hứa của Trung Quốc về mở cửa rộng hơn cho vốn đầu tư nước ngoài. Việc cải tổ hệ thống tài chính sẽ giữ vai trò quyết định sức khỏe kinh tế Trung Quốc trong dài hạn. Ông Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu đưa các rủi ro tài chính về trong tầm kiểm soát sau 3 năm.

Chính nhóm của ông Lưu đã đứng ra soạn thảo phần lớn kế hoạch kinh tế 2018 - kế hoạch đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình" trở thành kim chỉ nam cho việc vận hành nền kinh tế Trung Quốc. 

Những giải pháp chính sách mà ông Lưu đưa ra trong những năm gần đây được cho là giữ vị trí trung tâm trong việc ổn định nền kinh tế, giữa lúc ông Tập mở một chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay để củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khi ông Tập Cận Bình tập trung vào tăng cường sức mạnh của đảng, thì ông Lưu càng giữ vai trò lớn trong việc tạo cho nền kinh tế một nền móng vững chãi trong dài hạn - nguồn tin là quan chức Chính phủ Trung Quốc nói.

Nhiều khả năng, ông Lưu sẽ triển khai những cải cách từ tốn theo hướng thị trường bên trong mô hình kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, thay vì có những thay đổi chóng vánh có thể dẫn tới sự bất ổn và ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của đảng.

Trong quá trình thực hiện công việc của mình, ông Lưu có thể vấp phải sự phản kháng của các định chế tài chính Trung Quốc vốn đang không đồng tình với những nỗ lực giảm rủi ro trong hoạt động tín dụng và đầu tư - những rủi ro làm gia tăng gánh nặng nợ nần của nước này.

Ông Lưu từ lâu được xem là một tiếng nói của các chính sách dựa trên thị trường. Nguồn thạo tin nói, việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của thị trường trong tầm nhìn phát triển kinh tế Trung Quốc trong những thập kỷ tới đưa ra vào tháng 10 năm ngoái là theo sự cố vấn của ông Lưu.

Từng theo học tại Trường Quản lý Kennedy thuộc Đại học Harvard hồi thập niên 1990 và thông thạo tiếng Anh, ông Lưu chủ trương gia tăng sức ép buộc các doanh nghiệp nhà nước phải làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng có quan điểm khẳng định vai trò của doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc.

"Ông ấy không phải là một người biện hộ cho chính sách kinh tế của Trung Quốc", ông Myron Brilliant, Phó chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ và từng gặp ông Lưu, nhận xét. "Ông ấy ngầm nói rằng: 'Chúng tôi sẽ cải cách thêm về thị trường, cho dù đó không phải là một tốc độ cải cách mà người Mỹ muốn thấy'".

Trước năm 2018, ông Lưu hiếm khi phát biểu trước công chúng, nhưng gần đây ông đã xuất hiện nhiều hơn. Hồi tháng 1, ông Tập cử ông Lưu dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ. 

Phát biểu trước cộng đồng doanh nhân và tinh hoa chính trị thế giới tại diễn đàn này, ông Lưu nói các biện pháp cải cách của Trung Quốc sẽ vượt kỳ vọng của họ.

Một nền tảng quan trọng cho quyền lực của ông Lưu là mối quan hệ lâu năm với ông Tập. Hai người biết nhau kể từ khi còn học ở trường trung học cơ sở 101 ở Bắc Kinh hồi thập niên 1960. Ông Lưu được đưa vào hàng ngũ cấp dưới thân tín của ông Tập từ cuối năm 2012, thường cùng ông Tập đi công tác trong và ngoài nước.

Ông Tập đã dựa nhiều vào sự cố vấn ông Lưu trong quá trình đưa ra các chính sách kinh tế - mặc dù trong phần lớn thời gian của 4 thập kỷ qua, công việc điều hành kinh tế Trung Quốc chủ yếu là nhiệm vụ của Thủ tướng và các nhiệm vụ khác được phân công giữa các nhân vật cấp cao trong đảng. 

Ông Tập đã thay đổi mô hình lãnh đạo tập thể này, và thay vào đó tập trung hóa công việc ra quyết định vào một số ủy ban nhỏ mà ông đứng đầu, bao gồm các quyết định kinh tế.

Một số nguồn tin nói rằng ông Lưu là một người quả quyết. Ông từng lên tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2016 để chỉ trích mạnh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua vay nợ quá nhiều. 

Các quan chức Mỹ từng gặp ông Lưu thì miêu tả ông là một người có tư tưởng cởi mở nhưng cũng rất chín chắn.