18:21 16/01/2018

Châu Âu cho rằng ông Trump đang “thua” về thương mại

An Huy

Châu Âu cho rằng nước Mỹ đang “tự bắn vào chân mình” khi rút lui khỏi vai trò lãnh đạo trong thương mại toàn cầu

Bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: Reuters.
Bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: Reuters.

Tuần tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ trở thành nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của Mỹ sau gần 2 thập niên tham dự Diễn dàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ. Trước thềm sự kiện này, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng chính sách thương mại của ông Trump đang thất bại.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên thương mại của EU, nói rằng dù chưa rõ ông Trump sẽ phát biểu gì ở Davos vào tuần tới, nhưng châu Âu đã chuẩn bị sẵn sàng một thông điệp để gửi đến ông chủ Nhà Trắng.

Nước Mỹ đang "tự bắn vào chân mình" khi rút lui khỏi vai trò lãnh đạo trong thương mại toàn cầu - bà Malmstrom nói.

Mấy năm trở lại đây, EU đã có hàng loạt cuộc đàm phán thương mại với các quốc gia trên thế giới. Tháng 7 năm ngoái, khối này đạt một thỏa thuận sơ bộ với Nhật Bản. Hiện nay, EU đang hy vọng sẽ sớm ký thỏa thuận với Mexico và khối Mercosur ở Mỹ Latin.

Vị Ủy viên thương mại châu Âu nói rằng sự rút lui của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đóng một vai trò lớn trong những bước tiến này. Các quốc gia trên thế giới đang hối hả tìm kiếm các đối tác thương mại mới, và EU - với niềm tin đã hồi phục sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và cuộc bỏ phiếu Brexit vào năm 2016 - sẵn sàng lấp đầy khoảng trống mà Mỹ bỏ lại.

"Chúng tôi dã chứng minh được rằng châu Âu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tồi tệ đó. Bởi vậy, nhiều quốc gia đang tìm đến với châu Âu để thiết lập quan hệ đối tác", bà Malmstrom, người cũng sẽ tham dự WEF, phát biểu. "Cùng với các quốc gia khác, chúng tôi giờ đây đang đặt ra các tiêu chuẩn. Việc rút lui thực sự là điều không hay đối với Mỹ, bởi các tiêu chuẩn mới được thiết lập sẽ có phạm vi toàn cầu".

Lên cầm quyền cách đây 1 năm với lời hứa "nước Mỹ trên hết", ông Trump đã rút Washington khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dọa xóa bỏ Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA), và cảnh báo sẽ áp thuế quan thép gây ảnh hưởng đến các nước châu Âu và Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Malmstrom cho rằng điều đáng lo ngại hơn cả là lập trường đối chọi của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính quyền Trump đã chặn việc bổ nhiệm thẩm phán cho một cơ quan của WTO chịu trách nhiệm ra phán quyết về các tranh chấp thương mại. Theo vị Ủy viên, nếu Mỹ không thay đổi lập trường, thì cơ quan này sẽ phải dừng hoạt động.

Bà Malmstrom miêu tả cuộc gặp cấp bộ trưởng hồi tháng 12 vừa rồi của WTO là một "sự sỉ nhục". Cuộc họp diễn ra ở Buenos Aires đã không hề đạt được bất kỳ một thỏa thuận nào, chẳng hạn như về chấm dứt trợ cấp nghề cá, và rơi vào bầu không khí gay gắt, do sự chỉ trích mạnh từ phía Mỹ.

"Chúng tôi muốn chứng kiến vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới. Họ không nên phá ngang", bà Malmstrom nói.

Sự xuất hiện của ông Trump tại Davos năm nay được dự báo sẽ là tâm điểm chú ý. Ông sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên dự WEF kể từ Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000. Các Tổng thống Mỹ gần đây đều tránh dự WEF, có lẽ để tránh gây ấn tượng không tốt với cử tri khi sánh vai bên giới tinh hoa.

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Davos và phát tín hiệu Bắc Kinh sẵn sàng nắm lấy vai trò lãnh đạo toàn cầu trong thương mại tự do trong bối cảnh sự rút lui của Mỹ.

Bà Malmstrom miêu tả bài phát biểu của ông Tập là "sáng giá" cả về nội dung và thời điểm - chỉ ba ngày trước lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump.

Tuy nhiên, bà cũng nói rằng kể từ đó, Trung Quốc vẫn chưa có động thái nào mở rộng hơn cánh cửa thị trường cho các công ty châu Âu. Thậm chí, các rào cản đầu tư vào Trung Quốc đối với doanh nghiệp châu Âu còn gia tăng.

"Chúng tôi muốn kinh doanh ở Trung Quốc, và chúng tôi cũng muốn Trung Quốc đầu tư vào châu Âu, nhưng sân chơi bình đẳng ở Trung Quốc là chưa có. Chúng tôi chưa nhận thấy điều gì chắc chắn trong quan hệ thương mại của châu Âu với Trung Quốc", vị Ủy viên nói.