Châu Âu lại bị Tổng thống Trump cảnh báo về thương mại
Cảnh báo mới nhất của ông Trump với châu Âu cho thấy EU có thể đang trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây lên tiếng cảnh báo rằng Washington có thể sẽ sớm giải quyết vấn đề thương mại mà ông cho là "rất không bình đẳng" giữa nước này với Liên minh châu Âu (EU).
"Tôi có nhiều vấn đề với EU, và vấn đề thương mại có thể trở thành chuyện lớn", hãng tin CNN dẫn lời ông Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ITV của Anh.
"Đây là một mối quan hệ thương mại rất không bình đẳng", ông Trump nói thêm. "Chúng tôi không thể đưa sản phẩm của mình vào châu Âu. Rất, rất khó để làm vậy, nhưng họ vẫn bán hàng hóa của họ ở chỗ chúng tôi mà hầu như chẳng phải đóng đồng thuế nào".
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích EU về thương mại, đặc biệt nhằm vào Đức - một cường quốc xuất khẩu với mức thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Những lời cảnh báo này chưa trở thành hành động, nhưng có vẻ như chính quyền Trump đang đẩy mạnh nhằm xử lý điều mà họ cho là quan hệ không bình đẳng.
Tuần trước, Mỹ mạnh tay áp thuế cao đối với máy giặt và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu - một động thái có thể gây thiệt hại lớn cho một số nước trong đó có Hàn Quốc, đồng minh thân cận và là một đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Ngoài ra, ông Trump được cho là sẽ sớm ra quyết định có hay không đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm. Ông còn đang dọa sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) nếu như không đạt được một thỏa thuận tốt hơn trong cuộc đàm phán điều chỉnh NAFTA đang diễn ra giữa Mỹ, Canada và Mexico.
Chưa hết, vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ phát tín hiệu rằng chính quyền Trump có thể sớm có hành động đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại về công nghệ.
Đối với châu Âu, bất kỳ động thái nào của ông Trump cũng có thể đe dọa một mối quan hệ thương mại bao trùm 800 triệu dân và hơn một nửa sản lượng kinh tế toàn cầu.
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), thương mại hai chiều giữa Mỹ và EU đạt gần 1,1 nghìn tỷ USD trong năm 2016. Các nước EU là thị trường lớn nhất cho các công ty xuất khẩu của Mỹ, chiếm gần 19% lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trong năm 2017.
Số liệu của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy thương mại với EU hỗ trợ 2,6 triệu việc làm tại Mỹ trong năm 2015.
Đổi lại, vốn đầu tư và hàng hóa, dịch vụ từ châu Âu cũng chảy mạnh sang Mỹ. Châu Âu là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ nhì của Mỹ trong năm 2016. Đồng thời, châu Âu đầu tư vào Mỹ nhiều gấp 8 lần so với Trung Quốc đầu tư vào Trung Quốc và Ấn Độ cộng lại.
Đáp trả lời cảnh báo của ông Trump, EU ngày 29/1 nói rằng chính sách thương mại "không phải là chuyện người thắng, kẻ thua". "EU sẵn sàng hành động nhanh chóng và phù hợp trong trường hợp xuất khẩu của chúng tôi chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ biện pháp hạn chế nào từ Mỹ", phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas nói.
Theo EU, mức thuế giữa Mỹ và châu Âu hiện đang thấp, trung bình khoảng dưới 3%.
Hai bên cũng đã đàm phán một thỏa thuận thương mại có tên Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhằm cắt giảm hơn nữa hàng rào thương mại giữa hai bên. Mặc dù vậy, cuộc đàm phán này đã bị đình lại trước khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Nhiều nước châu Âu lo ngại TTIP sẽ dẫn tới việc giảm mạnh các quy chế giám sát về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Những quy chế này ở châu Âu chặt chẽ hơn nhiều so với ở Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ vào tuần trước, ông Trump nói những hành vi thương mại "kiểu trấn lột" đang "làm méo mó thị trường toàn cầu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người lao động". Nhà lãnh đạo Mỹ hứa sẽ thúc đẩy việc thực thi luật thương mại của Mỹ và "lập lại sự nguyên vẹn cho hệ thống thương mại của chúng tôi".
Lời cảnh báo mới nhất của ông Trump về thương mại đối với châu Âu cho thấy EU có thể đang trở thành mục tiêu tiếp theo của Washington. "EU rất, rất không công bằng với Mỹ. Tôi cho rằng điều này rồi sẽ gây ra thiệt hại rất lớn cho họ", ông nói với ITV.