Chế biến điều: Chi quá nhiều để nhập nguyên liệu
Trong 11 tháng qua, xuất khẩu điều đạt 3,1 tỷ USD nhưng phải chi tới 2,25 tỷ USD để nhập nguyên liệu
Ngành chế biến điều Việt Nam phải chi tới 2,25 tỷ USD để nhập khẩu điều thô nguyên liệu trong 11 tháng qua. Việc Tanzania ngừng xuất khẩu điều thô, trong khi các quốc gia trồng điều ở châu Phi có kế hoạch đầu tư vào chế biến sâu, sẽ khiến Việt Nam khó mua được điều nguyên liệu trong những năm tới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 11/2018, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu đạt 37.000 tấn, thu về 291 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu điều nhân 11 tháng đạt 342.000 tấn, kim ngạch 3,1 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt khoảng 9.297 USD/tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Khó cả đầu vào và đầu ra
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn là 3 thị trường tiêu thụ điều lớn nhất của Việt Nam. Năm nay, xuất khẩu điều sang Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị thu hẹp. Do chiến tranh thương mại với Mỹ, nên Trung Quốc hạn chế các nhà xuất khẩu Việt Nam xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Đây là biện pháp nhằm ngăn chặn hàng hóa của Mỹ và các nước tuồn vào Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), con đường tiểu ngạch dường như đang bị thu hẹp bởi phía Trung Quốc rục rịch áp dụng phương thức thanh toán chính ngạch bằng LC đối với hạt điều nhập khẩu. Nếu thanh toán bằng LC được áp dụng, đồng nghĩa với hạt điều sẽ không được vận chuyển nhiều qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, chủ yếu đi bằng đường biển (container).
Dù dự định trên chưa chính thức, nhưng các nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã thông tin tới đối tác Việt Nam rằng phía Trung Quốc sớm muộn cũng áp dụng quy định kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà máy điều của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Xuất khẩu điều nhân đem về ngoại tệ lớn, nhưng ngành chế biến điều cũng phải chi hơn 2/3 số ngoại tệ này để nhập khẩu điều thô nguyên liệu. Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 11/2018 là 82.000 tấn, tiêu tốn 127 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị điều thô nhập khẩu trong 11 tháng lên 1,14 triệu tấn và giá trị đạt 2,25 tỷ USD.
Như vậy, ngành điều đến thời điểm này đạt xuất siêu 850 triệu USD, phần lớn đây là giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến điều, trong khi doanh thu bán sản phẩm điều trong nước chỉ đạt khoảng 200-250 triệu USD. Ngành chế biến hạt điều Việt Nam ngày càng lệ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu điều nhập khẩu, trong khi giá mua nguyên liệu tăng cao, nguồn cung trên thế giới ngày càng khan hiếm, chất lượng điều cũng rất bấp bênh.
Việc Tanzania thu mua toàn bộ điều thô trong nước tạo nguy cơ mất đi một trong những nguồn cung điều thô lớn. Theo các chuyên gia, nhiều nước châu Phi đang thúc đẩy chế biến điều, thay vì xuất khẩu điều thô, với kỳ vọng các sản phẩm điều giá trị gia tăng sẽ có tác động lớn đến việc giảm nghèo.
Sản lượng trong nước chỉ đáp ứng 30%
Việt Nam đã xuất khẩu nhân điều chế biến tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ và là cường quốc xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD năm 2017. Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều, với lượng hạt điều nguyên liệu hàng năm khoảng 1,5 triệu tấn, như vậy nguồn cung nguyên liệu trong nước chỉ được hơn 30%. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần phải tăng sản lượng điều trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng điều của Việt Nam giảm liên tục trong 8 năm qua, từ gần 440.000 ha xuống còn 297.498 ha. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ là vùng sản xuất điều có quy mô lớn nhất, với 183.700 ha, sản lượng 140.600 tấn, chiếm 61,6% về diện tích, 66,6% về sản lượng điều cả nước.
Tiếp sau đó là 2 vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Tỉnh Bình Phước có diện tích điều lớn nhất cả nước, nhưng năng suất sụt giảm thảm hại, chỉ đạt bình quân 0,715 tấn/ha trong niên vụ 2017/2018. Trong giai đoạn 2008 - 2017, năng suất điều của nước ta luôn duy trì ở mức thấp, chỉ dưới 1 tấn/ha. Sản lượng điều cả nước đạt 352.000 tấn trong niên vụ 2016/2017. Nhưng đến niên vụ 2017/2018 do năng suất giảm nên sản lượng điều thô cũng giảm chỉ đạt 210.899 tấn.
Khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phần lớn diện tích trồng điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa; chưa được quan tâm đầu tư thâm canh. Đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân; liên kết sản xuất và chế biến sâu còn hạn chế. Do năng suất điều còn thấp nên kém hiệu quả kinh tế và đang bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác. Công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức.
Từ năm 1999 đến nay, mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất. Cây điều cho thu nhập không cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định đến năm 2030 không tăng diện tích, mà phải tập trung vào khâu kỹ thuật để tăng năng suất và sản lượng điều. Đồng thời, tập trung tái cơ cấu ngành điều, doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu và tập trung chế biến sâu, thâm canh đúng quy trình, xây dựng mô hình và ổn định đầu ra. Cục Trồng trọt cho rằng, năng suất điều có thể tăng được 30 - 40%, nếu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác.